Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, lãnh đạo các đơn vị chuyên môn, UBND TP. Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ngay sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
đã thị sát tình hình ứng phó xả nước tại khu vực cầu Đuống. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trước diễn biến phức tạp của mưa lũ trong những ngày qua, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo đã lệnh Công ty thủy điện Sơn La và Hòa Bình mở các cửa xả đáy.
Sau khi xả đáy, mực nước Hồ Hòa Bình lúc 18h ngày 18/7 (thời điểm mở cửa xả đầu tiên) là 106,19 m, lúc 17h ngày 20/7 là 106,20 m (hầu như không thay đổi) và còn cao hơn mực nước cho phép là 5,20 m. Tại hồ Sơn La, mực nước hồ lúc 8h ngày 19/7 (thời điểm mở cửa xả) là 201,90 m, lúc 17h ngày 20/7 là 201,18 m (giảm 0,72 m) và còn cao hơn mực nước cho phép là 3,88 m.
Như vậy, sau hơn 2 ngày xả nước, mực nước hồ Sơn La xuống chậm khoảng 0,5 m/1 ngày. Mực nước hồ Hòa Bình hầu như không xuống do lưu lượng về hồ vẫn lớn, tương đương tổng lưu lượng xả và phát điện.
Trong ngày đầu tiên khi các hồ điều tiết nước, mực nước hạ lưu sông Hồng lên sau đó biến đổi chậm; mực nước sông Thái Bình lên chậm.
Hạ du chưa ảnh hưởng do xả nước
Việc chỉ đạo và triển khai điều tiết nước trong những ngày qua được đánh giá là chủ động, nhịp nhàng và hiệu quả.
Ngay từ khi tình hình mưa lũ có diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có văn bản yêu cầu các địa phương, cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền và sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn hạ du khi các hồ chứa xả nước.
Tiếp đó, Bao Chỉ đạo đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương liên quan để chuẩn bị giải pháp và phương án sẵn sàng cho việc điều hành xả nước, trong đó cần triển khai sâu rộng việc thông tin đến cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện đang khai thác, sản xuất trên sông, bãi sông, ven đê để chủ động ứng phó và điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp, giảm thiệt hại về người và tài sản như đã xảy ra thiệt hại đối với hồ thủy điện Tuyên Quang vừa qua.
Các địa phương cũng đã tổ chức hàng loạt các giải pháp ứng phó xả lũ, đặc biệt là sử dụng hệ thống phát thanh phường, xã thông báo về tình hình xả lũ đến các hộ dân ven sông, chỉ đạo các lực lượng quản lý đê tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý sớm các sự cố đê điều.
Do công tác chuẩn bị tốt và được cảnh báo sớm, đến nay, theo báo cáo của các địa phương, thiệt hại là không đáng kể. Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, hồ chứa xả lũ làm nước sông Đà lên nhanh đã gây thiệt hại 30 lồng cá trắm đen (cá bị sặc nước do lưu tốc dòng chảy lớn) và 6 ha lúa mới cấy bị ngập.
Sáng 22-7 mở thêm cửa xả hồ Hoà Bình
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sau khi cân nhắc ý kiến của các đơn vị tư vấn, các chuyên gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã quyết định:
Quyết định xả thêm 1 cửa tại hồ Hoà Bình, thời gian từ 6h sáng mai, 22/7. Đồng thời, giữ nguyên tình trạng xả lũ tại Sơn La.
Nếu tình hình còn diễn biến phức tạp, rất có thể sẽ cho phép xả thêm nước để điều tiết mực nước tại các hồ chứa.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong ngày 21-22/7, khu vực Bắc Bộ có mưa dông diện rộng, mưa phổ biến 20-30 mm, riêng Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái mưa 30-60 mm, có nơi lớn hơn 60 mm (lưu vực hồ Sơn La).
Theo kết quả tính toán, các đơn vị đầu ngành trên cả nước về tư vấn điều hành liên hồ chứa (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch thủy lợi, Đại học Thủy lợi, Viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Cơ học, Trung tâm Động lực học thủy khí và môi trường - Đại học Khoa học tự nhiên) đề nghị phương án vận hành hồ trong ngày hôm nay, 21/7 và một số ngày tới theo hướng tiếp tục xả nước.
Cụ thể, đề nghị mở tiếp 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ ở thượng lưu các hồ chứa, diễn biến hệ thống đê điều và ngập lũ phía hạ du để xem xét việc mở thêm cửa xả lũ hồ Sơn La trong những ngày tới.
Bên cạnh đó, phải tăng cường đôn đốc các tỉnh hạ du hồ Hòa Bình nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo về việc bảo đảm an toàn hạ du khi xả lũ hồ chứa.
Tại cuộc họp, đại diện Viện Quy hoạch thủy lợi, Đại học Thủy lợi cũng đã báo cáo các phương án ứng phó, dựa trên các kết quả theo dõi mực nước, các dự báo diễn biến thời tiết trong vài ngày tới.
Ông Đặng Hoàng An, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị các cơ quan chuyên môn về dự báo cần có những tính toán hết sức chi tiết, dự báo một cách chính xác nhất diễn biến của mưa lũ để có ứng phó một cách phù hợp nhất.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, nhờ có sự chuẩn bị chủ động, Thành phố đã triển khai rất hiệu quả các giải pháp ứng phó xả lũ, đặc biệt sẵn sàng ứng phó các diễn biến bất thường. Hà Nội cũng đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ để kịp thời phát hiện những nguy cơ. Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng cho biết, thực tế là đã lâu không xả lũ, do đó cần tính toán một cách rất thận trọng, kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ ở thượng nguồn.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu không để xảy ra sự cố hồ đập.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
An toàn tuyệt đối, bảo đảm đủ nước cho sản xuất
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có những biện pháp cụ thể, hiệu quả trong những ngày qua để bảo đảm an toàn cho hồ chứa, các công trình thuỷ điện và cho vùng hạ du.
Theo Phó Thủ tướng, trong những ngày tới, Bắc Bộ tiếp tục có mưa, tạo thêm sức ép cho việc bảo đảm an toàn hồ, đập. Tuy nhiên, nếu xả lũ không khoa học cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hạ du, các công trình thuỷ điện. Và nếu xả lũ không chính xác, sẽ không đủ nước cho sản xuất trong mùa khô sắp tới.
“Phải điều tiết nước để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình hồ, đập, đề điều, các nhà máy thuỷ điện và an toàn cho hạ du. Đồng thời chủ động tích nước cho sản xuất (điện, các cơ sở công nghiệp…) và sinh hoạt trong mùa khô”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ chứa, đê điều và sản xuất nông nghiệp ở hạ du, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn các công trình thuỷ điện, không để xảy ra sự cố hồ đập, vận hành an toàn, cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt. Cùng với các cơ quan liên quan, phối hợp chặt chẽ trong việc xả lũ để bảo đảm an toàn cho hạ du. Đồng thời, phải điều tiết để đủ nước cho phát điện trong mùa khô, đủ nước cho sinh hoạt.
Các cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn, các cơ quan nghiên cứu, tư vấn tổ chức nắm bắt thông tin, dự báo chính xác để cùng bàn bạc, đề ra các phương án, giải pháp bảo đảm an toàn hồ đập, vận hành liên hồ chứa. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu việc đưa ra các số liệu, thông tin cần chính xác, sát thực tế để từ đó có các biện pháp chỉ đạo điều hành, ứng phó chủ động, hiệu quả.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Giao thông đường thủy nội địa phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông tổ chức bộ phận tuần tra, phân luồng trên hạ lưu hệ thống sông Hồng, cắm các biển cảnh báo về luồng, lạch để bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt công tác bảo đảm an toàn hạ du theo văn bản số 72 ngày 18/7/2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, giám sát các địa phương, sở, ngành thực hiện.
Phó Thủ tướng cũng ghi nhận và đánh giá rất cao vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc thông tin kịp thời, đúng mức cho người dân về diễn biến mưa bão, góp phần quan trọng hạn chế hậu quả do mưa lũ gây ra.
Ngay sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cùng đi thị sát việc chủ động ứng phó với xả nước tại khu vực cầu Đuống.
Nguồn www.chinhphu.vn