Thủ tướng kết thúc thăm Hoa Kỳ với chuỗi 45 hoạt động

Sáng ngày 2-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc với 45 hoạt động.

 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng ngày 31/5.
Ảnh: VGP

Đây là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Việt Nam và là tiếp xúc đầu tiên giữa một lãnh đạo cấp cao Việt Nam với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump kể từ khi hai nước có Ban Lãnh đạo mới.

Trong 3 ngày (từ 29 - 31/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc với 45 hoạt động.

Tại Thủ đô Washington, Thủ tướng đã cùng Tổng thống Donald Trump gặp hẹp, hội đàm với sự tham gia của Phó Tổng thống M.Pence, các Bộ trưởng, thành viên chủ chốt quan trọng nhất của chính quyền Hoa Kỳ, gặp gỡ báo chí; tiếp, làm việc với Bộ trưởng, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Nông nghiệp, Bộ trưởng Thương mại, điện đàm với 4 nghị sĩ lãnh đạo của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, các Ủy ban của Quốc hội; dự tiệc chiêu đãi của Chính quyền Hoa Kỳ do Ngoại trưởng chủ trì.

Tại New York, Thủ tướng đã hội đàm với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và cùng dự lễ kỉ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc; gặp gỡ các tri thức Việt kiều, doanh nhân Việt kiều thành đạt và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ; thăm hỏi, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Washington…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump vui mừng nhận thấy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian qua phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trên cả bình diện song phương và đa phương, góp phần xây dựng một nước Việt Nam độc lập và giàu mạnh. Hai bên nhất trí cho rằng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang có rất nhiều cơ hội và động lực phát triển mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế thương mại, quốc phòng an ninh, khoa học công nghệ, giáo dục, nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh... Hai bên khẳng định tiếp tục nỗ lực phát triển quan hệ hai nước ổn định, lâu dài, hợp tác cùng có lợi trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng thể chế chính trị của nhau, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump nhất trí nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ mang tính bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam tiếp tục cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư cùng có lợi với Hoa Kỳ; đề nghị hai bên nghiên cứu khuyến khích các doanh nghiệp thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, kết nối thị trường hai nước. Tổng thống Donald Trump hoan nghênh việc giải quyết một số vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm việc mở cửa thị trường cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ công nghệ thông tin của nhau. Hai bên cùng hướng tới thương mại cân bằng hợp lý, cùng có lợi.

Hai nhà lãnh đạo thống nhất triển khai có hiệu quả cơ chế Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để xử lý các vấn đề kinh tế trên tinh thần hợp tác, xây dựng, công bằng, đáp ứng lợi ích chính đáng của mỗi bên.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; khẳng định ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Tổng thống Trump bày tỏ ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC 2017, cho biết mong chờ thăm Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC tháng 11/2017.

Sau cuộc hội đàm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, hai bên nhất trí, trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, Liên Hợp Quốc cần tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển trên toàn thế giới.

Tổng Thư ký Guterres đánh giá cao những thành tựu kinh tế, xã hội mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua, đặc biệt trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và mong muốn Việt Nam sẽ thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững; nhấn mạnh Liên Hợp Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, thông qua việc triển khai Kế hoạch chiến lược chung giai đoạn 2017-2021.

Cũng tại trụ sở Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc (1977 – 2017) trước sự chứng kiến của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Peter Thompson, các quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc và Đại sứ, Trưởng đại diện của trên 100 phái đoàn các nước.

Trong phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại thời khắc thiêng liêng khi quốc kỳ Việt Nam lần đầu tiên được kéo lên tại trụ sở Liên Hợp Quốc cách đây 40 năm, đánh dấu sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất, mở ra thời kỳ Việt Nam bước vào hội nhập quốc tế.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn là một quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc, tích cực cùng các nước thành viên đề cao Hiến chương Liên Hợp Quốc và ủng hộ cải tổ Liên Hợp Quốc theo hướng nâng cao hiệu quả, minh bạch, dân chủ hóa.

Trong thời gian thăm Hoa Kỳ, Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như ExxonMobil, Coca Cola, Nike, Boeing, ASG, McKinsey, General Electrics, Murphy Oil, Hilton…; tham dự các tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư, tài chính Việt Nam – Hoa Kỳ; dự tiệc chào mừng do Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) và Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) đồng chủ trì với sự có mặt của Bộ trưởng Đại diện thương mại Hoa Kỳ và hàng trăm doanh nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp Việt Nam; Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao đổi 19 hợp đồng, văn kiện thỏa thuận hợp tác do doanh nghiệp hai bên ký kết trị giá khoảng 12 tỷ USD.

Trước các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp: “Việt Nam mong muốn duy trì và phát triển quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ. Thành công của các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng chính là thành công của chúng tôi”, cũng như khẳng định việc hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước theo hướng tự do, công bằng, cùng có lợi.

Hiện nay là thời điểm thuận lợi cho các nhà đầu tư tài chính vào Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, “cánh cửa luôn mở rộng, những cơ hội hiện hữu, Việt Nam luôn chào đón và khuyến khích các bạn đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng của Việt Nam”.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ khẳng định ủng hộ thúc đẩy quan hệ giữa hai nước và đánh giá cao các chính sách của Chính phủ Việt Nam đã tạo sân chơi công bằng, lành mạnh cho các doanh nghiệp, ủng hộ mạnh mẽ và tích cực hỗ trợ cho thành công của Năm APEC 2017 tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đã đến thăm Viện Di sản (Heritage Foundation) - tổ chức uy tín hàng đầu trên thế giới về nghiên cứu chiến lược độc lập và có tầm ảnh hưởng quan trọng đến tiến trình hoạch định, thực thi chính sách của Hoa Kỳ và nhiều vấn đề quốc tế. Tại đây, Thủ tướng đã có bài phát biểu quan trọng trước đông đảo chính giới, học giả Hoa Kỳ và Đại sứ, đại diện Sứ quán các nước ASEAN về chủ đề “Cơ hội, thách thức đối với hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương và phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ”. Thủ tướng đã đối thoại cởi mở và trả lời nhiều câu hỏi nêu ra.

Có thể nói, chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ thành công của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tạo xung lực mới thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, vì hoà bình, thịnh vượng và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Nguồn www.chinhphu.vn