Phân tích nguyên nhân những hạn chế của chất lượng dạy và học môn Ngữ văn, năm học 2014-2015 trong Báo cáo Kết luận hội thảo nâng cao chất lượng môn Ngữ văn trong trường THPT năm học 2015-2016, lãnh đạo Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT cho rằng trong quá trình học tập, nhiều HS còn thiếu và yếu các kỹ năng hành văn (sai chính tả, chữ viết quá xấu, sai cách dùng từ đặt câu, diễn đạt lủng củng…), lười đọc sách, ít đọc văn bản tác phẩm dẫn đến thiếu vốn từ vựng, thiếu vốn kiến thức xã hội-văn hóa, ít biết liên hệ thực tế và nắm bắt các thông tin thời sự địa phương, đất nước…
Giờ ôn tập môn Ngữ văn của học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.
Từ thực tế giảng dạy, ôn tập thi THPT quốc gia cho HS lớp 12, cô giáo Lê Thị Ánh Linh, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn cũng cho rằng: Thiếu sót của HS khi làm bài thi môn Ngữ văn là chỉ chú ý đến việc phân tích, bình giảng nội dung mà ít quan tâm đến tính nghệ thuật của tác phẩm, đoạn trích. Cách viết đoạn văn trình bày cảm nhận của bản thân về vấn đề được đặt ra chưa đúng trọng tâm. Phần Nghị luận xã hội thiếu dẫn chứng thực tế, chưa mang tính thời sự và hơi thở cuộc sống; việc liên hệ thực tế còn đơn điệu, xơ cứng, chưa thể hiện được sự trải nghiệm của bản thân. Riêng phần Nghị luận văn học, điểm yếu của nhiều HS là chưa quan tâm đến phạm vi, yêu cầu cụ thể của đề, dẫn đến việc viết bài vừa thừa, vừa thiếu; phân tích, bình giảng tác phẩm, đoạn trích không đúng trọng tâm; kỹ năng phân tích sâu giá trị nội dung, nghệ thuật còn hạn chế…
Tư vấn, chia sẻ kỹ năng giúp HS học và làm tốt bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cô giáo Lê Thị Ánh Linh, cho rằng: Để học và làm tốt bài thi môn Ngữ văn, trong quá trình ôn tập, HS cần chú ý nghe giảng, nắm bắt kiến thức, nội dung từng tác phẩm, phần nào chưa hiểu cần mạnh dạn hỏi lại thầy, cô giáo. Ngoài kiến thức được học trong trường, HS cần tăng cường kiến thức xã hội thông qua sách vở, tin tức trên báo đài; rèn luyện kỹ năng viết đoạn văn, bài văn… Đặc biệt, trước khi làm bài thi, HS cần đọc kỹ đề và phân bố thời gian hợp lý cho các câu hỏi, ưu tiên câu dễ làm trước, câu khó làm sau, tránh bỏ câu, chú ý trình bày bài làm mạch lạc, rõ ràng, đảm bảo tính hài hòa trong bố cục bài viết.
Cô giáo Lê Thị Ánh Linh cũng chia sẻ thêm: Những năm gần đây, bố cục đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn thường bao gồm 3 phần: Đọc hiểu, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học. Để làm tốt phần Đọc hiểu, HS cần nắm được các kiến thức về phần Tiếng Việt trong chương trình Ngữ văn (các biện pháp tu từ, các phương thức biểu đạt, phong cách chức năng ngôn ngữ, các kiểu câu và liên kết câu, liên kết đoạn văn trong văn bản…), nhận diện đúng dạng đề và có kỹ năng trả lời các câu hỏi. Đối với phần Nghị luận xã hội, HS cần linh hoạt, chủ động, sáng tạo, thể hiện được lập luận, chính kiến của mình trước một vấn đề mà câu hỏi nêu ra; khi liên hệ thực tế bản thân cần chân thành, trung thực, xuất phát từ sự trải nghiệm thực tế, tránh khuôn sáo, cứng nhắc. Riêng với phần Nghị luận văn học, HS cần đọc kỹ đề và nên hình thành một dàn ý, xác định hướng triển khai các luận điểm, luận cứ trong bài. Khi phân tích, bình luận, cảm nhận về một tác phẩm văn học, nhân vật trong tác phẩm, tình huống truyện, đoạn thơ… ngoài yếu tố nội dung, HS cần lưu ý đến việc phân tích, bình giảng các yếu tố nghệ thuật (vần, thanh, nhịp điệu, các biện pháp tu từ, hình ảnh, cử chỉ, điệu bộ nhân vật…). Đối với kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học, bên cạnh việc phân tích, bình luận, cảm nhận về tác phẩm văn học đó, HS cần liên hệ thực tế với những dẫn chứng sinh động, mang tính thời sự để có thể đạt điểm cao.
Hơn 1 tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ chính thức diễn ra, tin rằng với những phương pháp ôn tập, sự chia sẻ, tư vấn nhiệt tâm từ phía giáo viên, nhà trường, HS các trường THPT sẽ có thêm kiến thức, kinh nghiệm, đạt điểm cao ở môn Ngữ văn và các môn học khác.
Phạm Lâm