Không bảo đảm điều kiện nuôi dạy
Theo thống kê của UBND phường Tấn Tài, toàn phường hiện có 24 cơ sở mầm non tư thực (gồm 4 trường và 20 nhóm trẻ) nuôi dạy khoảng 850 trẻ, trong đó có 8 nhóm trẻ không có giấy phép hoạt động, nuôi dạy khoảng 200 trẻ. Đó là chưa kể các hộ gia đình nhận nuôi trẻ với số lượng dưới 5 trẻ. Trong vai phụ huynh đi tìm nơi gửi trẻ, chúng tôi tiếp cận một nhóm trẻ gia đình không giấy phép hoạt động ở khu phố 3. Qua quan sát, phòng học của các bé có diện tích chừng 25m2, được dùng chung với phòng khách của gia đình, khoảng 15 trẻ từ 1-4 tuổi chạy nhảy, sinh hoạt…, không có đồ chơi cho các cháu. Trên chiếc bàn để vật dụng của các bé bày bừa ngổn ngang đủ thứ vật dụng như ca uống nước, cặp xách, dày dép, còn có đồ ăn thức uống như bánh, kẹo, sữa… Quan sát khu vực nơi vệ sinh của các bé, chúng tôi khá “sốc” khi thấy bên trong những chiếc bô vẫn còn nguyên nước tiểu, phân…
Giờ sinh hoạt của các bé Trường Mầm non Ánh Sáng.
Chế độ dinh dưỡng cho các bé cũng hết sức “nghèo nàn”. Bữa trưa của các bé cũng chỉ có một bát cơm nhỏ chan canh dưa hồng lỏng bỏng nước nấu với chút thịt bằm. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất không bảo đảm, tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề muốn gửi thêm 2 bé nữa, chủ cơ sở đồng ý ngay. Học phí từ 600.000-800.000 đồng/tháng/bé, tùy vào độ tuổi.
Rời nhóm trẻ gia đình trên, chúng tôi đến tìm hiểu một cơ sở nuôi dạy trẻ không phép khác cách đó không xa. Cơ sở này có không gian rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ hơn, tuy nhiên điều kiện nuôi dạy trẻ cũng có nhiều điểm chưa hợp lý như bếp ăn chưa được bố trí theo quy tắc một chiều, nhân viên chưa được đào tạo qua chuyên môn… Điều khiến chúng tôi lo lắng nhất là gia đình còn nuôi một chú chó becgiê trông khá hung dữ, vừa không bảo đảm vệ sinh, đồng thời rất nguy hiểm cho các bé.
Công tác quản lý lỏng lẻo
Theo quy định, các nhóm trẻ gia đình, lớp mẫu giáo độc lập muốn hoạt động phải đáp ứng đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất như: Có phòng nuôi dưỡng, giáo dục cho trẻ em; thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu theo đúng quy chuẩn; chủ cơ sở phải có trình độ văn hóa tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên, có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn giáo dục mầm non ít nhất 30 ngày hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý…; đồng thời, được UBND phường cấp giấy phép; công tác quản lý các cơ sở này cũng do UBND phường đảm nhận. Thế nhưng, nhiều cơ sở không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên vẫn hoạt động!
Lý giải về vấn đề này, ông Trần Văn Khanh, cán bộ văn hóa-xã hội UBND phường Tấn Tài, cho biết: Nuôi trẻ vốn là nghề mưu sinh của những hộ gia đình này, nếu cho ngưng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nhiều người dân. Công tác quản lý chủ yếu tập trung vào thanh tra, kiểm tra, tuyên tuyền, vận động các chủ cơ sở cải thiện cơ sở vật chất, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm… để đáp ứng tốt các điều kiện nuôi dạy trẻ. Riêng với vấn đề chuyên môn, UBND phường cũng đã vận động các chủ cơ sở tham gia các lớp đào tạo để lấy chứng chỉ chuyên môn, giúp chính quyền địa phương có căn cứ cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như chủ cơ sở đã lớn tuổi, công việc bận rộn không có thời gian theo học…, nên đến nay vẫn chưa có người nào có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn hành nghề theo quy định.
Chính vì không có giấy phép hoạt động nên công tác quản lý giáo dục đối với các cơ sở này cũng không được thực hiện. Bà Nguyễn Thị Lý, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết: Theo quy định, Phòng Giáo dục có nhiệm vụ giúp UBND phường thực hiện chức năng quản lý giáo dục đối với các cơ sở mầm non trên địa bàn, tuy nhiên, chỉ đối với những cơ sở được cấp giấy phép. Những cơ sở không có giấy phép, phòng có muốn cũng không có cơ sở cũng như thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện.
Ngoài sự lỏng lẻo, nể nang trong công tác quản lý của chính quyền địa phương, còn có sự dễ dãi của các bậc phụ huynh. Qua trao đổi với nhiều phụ huynh được biết, khi đến đặt vấn đề gửi con, hầu hết phụ huynh chỉ tìm hiểu một số thông tin như giá tiền, bé ăn bao nhiêu bữa, giờ đưa, đón; trong thời gian gửi trẻ thỉnh thoảng có hỏi chủ cơ sở buổi trưa bé ăn gì, chứ chưa hề tự mình đến để kiểm tra, theo dõi xem con của mình ăn như thế nào, vui chơi ra sao, học được gì…
Sự phát triển thể chất, trí tuệ ở lứa tuổi mầm non chính là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ sau này. Trẻ cần được nuôi dưỡng, giáo dục trong điều kiện, môi trường tốt, đúng phương pháp. Thực tế, số lượng trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ, công tác xã hội hóa bậc học mầm non là rất cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng hoạt động của các cơ sở. Được biết, không chỉ riêng địa bàn phường Tấn Tài, tình trạng cơ sở mầm non tư thục hoạt động không có giấy phép vẫn có ở một số địa phương khác trên địa bàn thành phố. Đề nghị chính quyền địa phương cần có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng cơ sở mầm non kém chất lượng, không giấy phép như hiện nay.
Uyên Thu