Các nội dung quy định trong quy chế bao gồm: Đối tượng, điều kiện, nguyên tắc và phương thức tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh và xử lý kết quả tuyển sinh.
Theo đó, đối tượng dự tuyển đi học nước ngoài là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đáp ứng các điều kiện sau:
Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đảm bảo có đủ sức khỏe để tham gia khóa học ở nước ngoài; không trong thời gian bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; có văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của từng chương trình học bổng tương ứng.
Đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của từng chương trình học bổng; trong độ tuổi theo quy định của từng chương trình học bổng; nộp đầy đủ, đúng thời hạn hồ sơ và lệ phí tuyển sinh (nếu có) theo quy định tại thông báo tuyển sinh.
Đáp ứng các quy định hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức (đối với ứng viên là công chức, viên chức); đáp ứng các điều kiện cụ thể khác của từng chương trình học bổng.
Đối tượng ưu tiên: Ứng viên thuộc các cơ quan, địa phương được ưu tiên về đào tạo nhân lực theo quy định của Chính phủ; ứng viên có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học; các đối tượng ưu tiên khác theo quy định hiện hành của Nhà nước và của từng chương trình học bổng cụ thể.
Ngành đào tạo ưu tiên: Các ngành đào tạo phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trong từng giai đoạn; các ngành học đặc thù cần ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các chương trình, đề án, dự án quốc gia do Chính phủ phê duyệt;
Các ngành học Việt Nam chưa có khả năng đào tạo hoặc chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, số lượng cán bộ ngành này ở Việt Nam còn thiếu; các ngành học phía nước ngoài ưu tiên cấp học bổng cho Việt Nam.
Tại thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời triển khai nhiều chương trình học bổng, ứng viên chỉ được đăng ký dự tuyển một chương trình học bổng với trình độ cao hơn trình độ đã có văn bằng. Trường hợp đặc biệt sẽ do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định.
Ứng viên dự tuyển trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phải đăng ký dự tuyển ngành học ở nước ngoài phù hợp với nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, địa phương cử đi học; phù hợp với vị trí việc làm, nhu cầu công tác của cơ quan hoặc ngành học đã tốt nghiệp ở trình độ đào tạo trước đó.
Tuyển sinh đi học nước ngoài được thực hiện theo một trong các phương thức: xét tuyển; hoặc kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển.
Căn cứ quy định của từng chương trình học bổng, đơn vị chủ trì tuyển sinh thống nhất ý kiến bằng văn bản với các đơn vị liên quan quyết định phương thức tuyển sinh đi học nước ngoài.
Tiêu chí tuyển chọn bao gồm các nội dung sau đây: Thành tích, giải thưởng trong học tập, nghiên cứu, công tác (nếu có);
Kết quả học tập của cấp học, trình độ đào tạo đã tốt nghiệp trước đó; điểm ngoại ngữ (theo quy định cụ thể của chương trình học bổng); đánh giá và thứ tự ưu tiên theo đề nghị của cơ quan giới thiệu dự tuyển (nếu có); thời gian công tác (nếu có); kết quả thi tuyển (nếu có); các tiêu chí và quy định ưu tiên khác theo quy định của từng chương trình học bổng.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại