Hiệu quả từ mô hình Trường học mới Việt Nam ở cấp Tiểu học

(NTO) Từ năm học 2012-2013, tỉnh ta triển khai mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) ở 30 trường TH. Sau hơn 3 năm học, mô hình VNEN đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh (HS) các trường tự tin, tự giác trong học tập, giao tiếp; giảm tỷ lệ HS yếu kém, HS bỏ học giữa chừng.

Có dịp tham dự tiết học môn Toán của HS lớp 5A, Trường TH Mỹ Nghiệp (Ninh Phước), chúng tôi mới cảm nhận hết không khí sôi nổi, hào hứng của HS nơi đây. Sau khi cô giáo đặt câu hỏi: “Công thức tính diện tích xung quanh, diện tích toàn phần của hình lập phương là gì?”, HS các nhóm bắt đầu thảo luận, sau đó hăng hái giơ tay phát biểu, tạo nên bầu không khí học tập hết sức sôi nổi, thoải mái. Cô giáo Đào Thị Kim Phúc, giáo viên chủ nhiệm lớp, chia sẻ: Từ khi áp dụng mô hình VNEN, giáo viên chúng tôi không còn phải “độc thoại” trên bục giảng khi truyền thụ kiến thức cho HS, mà thay vào đó là cách hướng dẫn, hỗ trợ HS cách tự tìm tòi, nghiên cứu, làm bài tập theo nhóm. Phương pháp này giúp các em phát huy tinh thần đoàn kết, tính tự giác, sáng tạo của bản thân, nhớ kiến thức lâu, tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, học tập nên chúng tôi hết sức phấn khởi.

Giờ học môn Toán của học sinh lớp 5A Trường TH Mỹ Nghiệp.

Năm học 2015-2016, Trường TH Mỹ Nghiệp có 8 lớp với 223 HS thuộc khối 2, 3, 4 và 5 tham gia học tập theo mô hình VNEN. Thầy giáo Thiên Quả, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Với hơn 97% HS của trường là con em dân tộc Chăm nên ngày đầu áp dụng mô hình, nhà trường cũng gặp một số khó khăn về vấn đề ngôn ngữ, cũng như sự băn khoăn của phụ huynh HS. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường, việc áp dụng mô hình dần đi vào “quỹ đạo” và cho nhiều kết quả đáng mừng, trong đó nổi bật là việc duy trì sĩ số HS, nâng cao chất lượng giáo dục. Thông qua mô hình, HS của trường từ chỗ nhút nhát đã trở nên mạnh dạn, tích cực hơn trong giao tiếp, học tập, nên giáo viên, phụ huynh và HS hết sức tin tưởng, ủng hộ.

Ở các trường TH khác như: Đài Sơn, Tấn Tài 1 (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), Phước Bình B (Bác Ái), Văn Lâm (Thuận Nam)…, mô hình VNEN được triển khai thực hiện từ năm học 2012-2013 cũng mang lại nhiều kết quả đáng mừng. Đồng chí Nguyễn Văn Nhượng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT, cho biết: Năm học 2015-2016, tỉnh ta tiếp tục thực hiện mô hình VNEN ở 30 trường TH với hơn 6.600 HS tham gia học tập. Với nguyên tắc “lấy HS làm trung tâm”, giáo viên chỉ là người giao việc và tổ chức các hoạt động học tập, sau đó tư vấn, giám sát, mô hình VNEN cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng mục tiêu “Dạy chữ, dạy người”, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của mỗi HS, gắn kết nhà trường, gia đình và xã hội, gắn kiến thức với thực tiễn, thực hành. Nhờ mô hình, HS các trường, nhất là HS nông thôn, miền núi ngày càng tự tin, tự giác, năng động trong học tập, giao tiếp, chất lượng giáo dục nhờ đó được nâng lên, tỷ lệ HS yếu kém, HS bỏ học giảm xuống còn 0,04%; hơn 50,1% HS TH được học 2 buổi/ngày.

Có thể nói, hiệu quả mô hình VNEN mang lại cho giáo dục tỉnh ta những năm qua là rất lớn. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Nhượng, do đối tượng áp dụng mô hình là HS khối lớp 2 đến khối 5, có khả năng đọc hiểu và thông thạo tiếng Việt, nên ở một số trường có số đông HS là người dân tộc thiểu số, việc triển khai mô hình, nhất là cho HS khối 2 còn nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả như mong đợi do trình độ tiếng Việt của các em còn nhiều hạn chế. Ở một số trường do chưa đảm bảo được các yêu cầu về cơ sở vật chất để có thể dạy học 2 buổi/ngày nên việc nhân rộng mô hình cũng còn khó khăn. Đặc biệt, năm học này cũng là năm cuối cùng các trường thực hiện dự án VNEN do Bộ GD&ĐT phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu triển khai nên khi dự án kết thúc vào tháng 6-2016, nguồn kinh phí hỗ trợ mua sắm thiết bị và đồ dùng dạy học không còn được cấp về sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì mô hình tại các trường… Bởi vậy, để khắc phục khó khăn, thời gian qua, sở luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên; tổ chức tốt các buổi tập huấn, hội thảo, giúp các trường chia sẻ kinh nghiệm, phát huy thế mạnh, hạn chế khuyết điểm. Riêng việc triển khai mô hình VNEN trong năm học 2016-2017, hiện sở đang chờ kế hoạch của Bộ GD&ĐT để có hướng dẫn, chỉ đạo.