Năm học 2011-2012, Trường THCS Phan Đình Phùng (xã Ma Nới, Ninh Sơn) được chuyển đổi sang mô hình trường học bán trú với tên gọi Trường PTDTBT THCS Phan Đình Phùng. Đây được xem là “làn gió mới” giúp hội đồng sư phạm nhà trường thi đua “Dạy tốt, học tốt”, tạo điều kiện để HS vùng cao đến trường, rút ngắn khoảng cách và điều kiện học tập giữa các vùng miền trong tỉnh.
Mô hình bán trú giúp Trường PTDTBT THCS Phan Đình Phùng
nâng cao chất lượng giáo dục và duy trì sĩ số học sinh.
Thầy giáo Trịnh Ngọc Tươm, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Đóng trên địa bàn xã vùng cao Ma Nới, HS phần đông là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện đi lại xa xôi nên những năm học trước, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì sĩ số HS, nhất là HS ở các thôn xa trung tâm xã. Từ năm học 2011-2012 đến nay, sau khi chuyển đổi sang mô hình trường bán trú, công tác duy trì sĩ số HS và nâng cao chất lượng giáo dục của trường được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, năm học 2014-2015, tỷ lệ duy trì sĩ số HS của trường đạt 94,5% (tăng 11,2%); 47,1% HS có học lực khá, tăng 17,5% so với năm học 2011-2012.
Rời xã Ma Nới, chúng tôi ngược về huyện miền núi Bác Ái, nơi mô hình trường học bán trú được triển khai nhiều nhất tỉnh. Đồng chí Trần Thùy Vân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bác Ái, cho biết: Toàn huyện hiện có 9 trường PTDTBT, trong đó có 3 trường TH và 6 trường THCS. Thực tế cho thấy, sau 3 năm triển khai, mô hình trường bán trú trên địa bàn huyện đã và đang mang lại nhiều hiệu quả. Trong đó, nổi bật là việc duy trì sĩ số HS (trên 98%) và chất lượng giáo dục toàn diện trong các cấp học ngày càng nâng cao.
Để hiểu rõ hơn về hiệu quả mô hình mang lại, chúng tôi đến thăm Trường PTDTBT THCS Nguyễn Huệ, đóng trên địa bàn xã Phước Thành. Thầy Phạm Văn Thành, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Ngày đầu triển khai mô hình, do cơ sở vật chất thiếu thốn nên để bảo đảm chỗ ăn ở cho HS, nhà trường đã phối hợp với các cơ sở Đoàn Thanh niên trong huyện xây dựng nhà ăn tập thể, UBND xã Phước Thành hỗ trợ trường mua sắm dụng cụ nấu ăn… Đặc biệt, trong năm học 2014-2015, từ công tác xã hội hóa giáo dục, trường đã vận động được 100 triệu đồng xây dựng thêm 2 phòng ở nội trú, vận động 20 giường tầng, bổ sung thực phẩm dầu ăn, gạo… giúp HS các lớp ăn, ở nội trú được thuận tiện hơn. Giờ đây, các em HS ở xa được ở lại trường, được thầy, cô giáo chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy bảo tận tình, nên chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ HS bỏ học giảm. Năm học 2014-2015, toàn trường có hơn 40% HS có học lực khá, giỏi, tăng gần 6% so với năm học trước. Những tháng đầu năm học 2015-2016, không có HS bỏ học.
Tại các trường PTDTBT khác như: THCS Nguyễn Văn Linh (xã Phước Tân), TH Phước Đại A (xã Phước Đại), TH Phước Bình B, THCS Đinh Bộ Lĩnh (xã Phước Bình, Bác Ái), THCS Phước Hà (xã Phước Hà, Thuận Nam)… việc chuyển đổi sang mô hình trường học bán trú cũng mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên đa phần các trường bán trú hiện nay còn thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực… Đơn cử như Trường PTDTBT THCS Phan Đình Phùng có 157/209 HS được hưởng chế độ bán trú nhưng do thiếu phòng nên chỉ có 50 HS thôn Gia Hoa và Tà Nôi được ở nội trú tại trường, hay như Trường PTDTBT THCS Nguyễn Huệ chỉ có 99/148 HS được ở lại trường. Vì vậy, để mô hình bán trú đạt hiệu quả cao và duy trì bền vững, bên cạnh sự nỗ lực của các thầy, cô giáo, sự quyết tâm vượt khó của các em HS, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần có hướng phát triển, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường bán trú; vận động, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để phụ huynh, Nhân dân và xã hội quan tâm nhiều hơn đến việc học của con em mình.
Tiến Mạnh- Phạm Lâm