|
Nguyễn Bá Ninh Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo |
Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW chính là hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về giáo dục và đào tạo, nhằm thống nhất nhận thức và hành động; phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân; huy động các nguồn lực đầu tư, sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành và các tổ chức xã hội cho sự nghiệp giáo dục.
Cùng với cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà đang đứng trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đòi hỏi toàn ngành phải đồng thuận, quyết tâm cao thực hiện các giải pháp nhằm đáp ứng những mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Nhằm phấn đấu đưa nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, Nghị quyết 29-NQ/TW lần này phải “đổi mới căn bản và toàn diện” không chỉ là những vấn đề nhỏ mà là những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, phương pháp, cơ chế, chính sách; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, có trọng điểm và có lộ trình phù hợp.
Để đạt được những mục tiêu trên, các cấp, ngành, địa phương và mỗi cơ sở giáo dục và đào tạo tỉnh nhà phải có những giải pháp cụ thể, phù hợp, từng bước đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 9-6-2014 của Chính phủ, Kế hoạch hành động của Bộ GD&ĐT, Chương trình hành động số 235-CTr/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định phương hướng chỉ đạo cho ngành Giáo dục và Đào tạo đúng lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà. Quán triệt sâu sắc tinh thần về đổi mới Giáo dục và Đào tạo, năm học 2014-2015, ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều cố gắng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Năm học 2015-2016 là năm học thứ ba tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo, trong đó tiến hành rà soát, bổ sung các văn bản về quản lý giáo dục để đảm bảo cho các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong khuôn khổ của pháp luật; chủ động, tích cực, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp trong quản lý giáo dục và đào tạo. Thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình xã hội của các cơ sở giáo dục một cách thống nhất và hiệu quả; tiếp tục thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 235-CT/TU ngày 20-12-2013 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW với các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương và từng cơ sở giáo dục; phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông kịp thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp của ngành trong quản lý và đổi mới giáo dục; tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên gắn với việc đưa nội dung các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành thành hoạt động thường xuyên trong mỗi cơ sở giáo dục; các cấp quản lý giáo dục chủ động tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học, phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học sinh; đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục các cấp; tăng cường thanh tra quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, xử lý nghiêm các sai phạm và thông báo công khai trước công luận.
Hai là, đổi mới chương trình giáo dục, công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể:
- Đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt chuẩn phổ cập theo lộ trình; chú trọng giáo dục hình thành và phát triển kỹ năng sống phù hợp với độ tuổi của trẻ; đẩy mạnh việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số; tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, các nhóm/lớp mầm non tư thục.
- Củng cố và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, thực hiện xóa mù chữ, nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc, học sinh vùng khó khăn; triển khai đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh. Rút kinh nghiệm kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, chuẩn bị tốt cho việc triển khai kỳ thi THPT quốc gia năm 2016; tiếp tục chỉ đạo triển khai dạy và học một cách hiệu quả theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”; nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người; thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội, học sinh ở miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, quan tâm tạo cơ hội học tập cho học sinh khuyết tật tại Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.
Ba là, tổ chức rà soát để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và kế hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; đẩy mạnh công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp sau THCS, THPT.
Bốn là, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cơ sở rà soát, điều chỉnh và tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực đáp ứng về số lượng, chất lượng đội ngũ; tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để chuẩn bị phục vụ việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Quan tâm phát triển đội ngũ tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán các bộ môn; nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp, của tổ chức Đoàn, Hội, Đội, gia đình và cộng đồng trong việc quản lý, phối hợp giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là những người đang công tác tại vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; giải quyết kịp thời các thắc mắc, kiến nghị về thực hiện chế độ làm việc của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Năm là, đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và tăng nguồn lực đầu tư. Trong đó, tập trung, ưu tiên các nguồn lực để hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tăng cường kiểm tra, giám sát đầu tư, công tác đấu thầu, công tác quyết toán trong xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị của các đơn vị; rà soát tình hình và tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, quản lý có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, nhất là lĩnh vực giáo dục mầm non và các địa phương vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Năm học 2015-2016 đã đi được gần nửa chặng đường, trước yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, mỗi cán bộ công chức, viên chức toàn ngành cần ý thức rõ sứ mệnh thiêng liêng cùng với trách nhiệm cao cả trong sự nghiệp “trồng người”, sẽ cố gắng khắc phục khó khăn, nỗ lực vượt lên chính mình, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền, địa phương và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội trong tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh nhà trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nguyễn Bá Ninh
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo