So với Bộ luật Dân sự năm 2005 hiện hành, lần chỉnh sửa này được đánh giá là cơ bản, toàn diện với dự kiến sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều, đưa toàn Bộ luật có tổng số 6 phần, 29 chương với 710 điều.
Thảo luận Bộ luật Dân sự, các ý kiến đều tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Bộ luật này trong tình hình mới với những yêu cầu mới về thể chế hóa và tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự, cũng như những tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành để bảo đảm Bộ luật phát huy được những mục tiêu cơ bản: Tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của các các cá nhân, pháp nhân, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự; hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm sự thông thoáng, ổn định trong giao lưu dân sự.
Chế định hình thức sở hữu được nhiều đại biểu quan tâm khi đây cũng là nội dung cơ bản được đề cập trong Hiến pháp năm 2013. Việc bám sát, thể chế hóa các quy định trong Hiến pháp về vấn đề sở hữu là yêu cầu được đề ra, nhất là hình thức sở hữu toàn dân.
Các quy định về phân loại pháp nhân - một trong những chủ thể quan trọng của quan hệ dân sự cũng nhận được nhiều quan tâm.
Các ý kiến cho rằng, dự thảo Bộ luật quy định 2 loại pháp nhân cơ bản: Pháp nhân thương mại là pháp nhân hoạt động vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; và pháp nhân phi thương mại là pháp nhân hoạt động không vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và không phân chia lợi nhuận cho các thành viên… là phù hợp với tiêu chí và thực tế quan hệ trong đời sống dân sự hiện nay. Quy định này khắc phục được hạn chế khi phân loại pháp nhân theo hình thức liệt kê các chủ thể như hiện hành, vừa không bảo đảm tính khái quát, vừa khó bảo đảm sự ổn định.
Do đây là đạo luật cơ bản, rất quan trọng, nên nhiều đại biểu cũng tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân đối với Bộ luật này. Theo đó sau khi Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 3/2015.
*Thảo luận về dự án Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo, các đại biểu cho ý kiến tập trung vào các quy định nhằm quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo theo ngành, lĩnh vực, với phương thức mới, quản lý tổng hợp.
Cụ thể, đó là quản lý thống nhất các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; định hướng, điều phối, lồng ghép các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam.
Tương tự là công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo, đặc biệt là hoạt động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường và hải đảo và nhất là ban hành luật để đảm bảo mục tiêu khắc phục xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển, đảo.
*Các nội dung chính thảo luận về dự án Luật Thú y tập trung vào những điểm mới so với Pháp lệnh Thú y hiện hành, từ những quy định chung; quy định về phòng bệnh cho động vật; chống dịch bệnh cho động vật trên cạn; về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản; về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật trên cạn, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y và quy định về cải cách hành chính.
Nguồn chinhphu.vn