Trong phiên thảo luận chiều 31-10 tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến chia sẻ với báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện NSNN năm 2014, phương án dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015.
Các đại biểu đánh giá cao những kết quả tích cực của tình hình ngân sách trong bối cảnh còn nhiều mặt khó khăn thời gian qua, nhất là nỗ lực thu có khả năng vượt 10,6% dự toán năm, bảo đảm chi theo kế hoạch và nhu cầu cấp bách phát sinh. Bội chi ngân sách 5,3% GDP. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép. Mục tiêu sang năm 2015 tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP là 5%.
Tiếp nối đề tài được quan tâm trong phiên thảo luận tình hình kinh tế-xã hội, nhiều đại biểu nhấn mạnh vấn đề nợ công, coi đây là vấn đề quan trọng, trọng tâm cần có biện pháp mạnh mẽ trong bài toán ngân sách năm 2014, 2015.
Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nhận định, từ nay đến cuối năm, sức ép chi sẽ rất lớn nên cần quản lý chặt chẽ không để vượt dự toán. Đồng thời sử dụng khoản tăng thu 63.700 tỷ đồng để bù đắp, đẩy nhanh thực hiện các dự án cấp bách, phục vụ phát triển và để thanh toán nợ, giảm nợ công.
Về lâu dài, cần cơ cấu khoản nợ vay theo hướng tăng vay trung, dài hạn, kiên quyết sử dụng chính sách thắt chặt tài khóa. Các giải pháp tăng thu cũng hết sức thận trọng, chú trọng vào thu đúng, thu đủ, tránh thất thoát cũng như tác động tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) đưa ra quan điểm về nợ công: Khối lượng, khả năng trả nợ là vấn đề cần chú ý, nhưng quan trọng hơn cả là tính hiệu quả của các khoản vay. Làm sao để chống tình trạng vay đầu tư không hiệu quả, gây thất thoát.
“An toàn nợ công rất quan trọng, nhưng cần xem xét theo công thức dòng tiền, tỷ lệ nợ đáo hạn hằng năm so với mức thu ngân sách. Nếu không cân đối được thì phải cắt giảm chi thường xuyên. Đây là điều phải hết sức thận trọng trong tính toán thực hiện vì có thể dẫn tới tê liệt bộ máy như đã xảy ra tại một số nước”, đại biểu Trần Du Lịch nói.
Chi thường xuyên tăng cao cũng là vấn đề được nhiều đại biểu chỉ ra như một nguyên nhân chính của tình trạng khó khăn trong cân đối ngân sách, dẫn đến tình trạng “làm không đủ ăn, phải đi vay nợ”. Đại biểu Trần Du Lịch đề xuất cần mạnh dạn cắt giảm 10% khoản chi này ngay trong năm 2015. Trừ lương và trợ cấp xã hội, tập trung cắt giảm các khoản chi hội thảo, tham quan, tiếp khách, lễ lạt... từ Trung ương tới địa phương.
Một số ý kiến khác cho rằng, chi thường xuyên đạt tỷ lệ gần 70% là khá lớn. Trong khi đó, các khoản chi khác là chưa đạt nhu cầu là điều cần phải ra tính toán, rà soát kỹ để tập trung chi có trọng điểm, đạt hiệu quả cao hơn.
Chỉ tiêu bội chi 5% GDP năm 2015 cũng nhận được nhiều quan tâm. Trong khi có ý kiến đề nghị cần hướng và phấn đấu con số này còn 4,5% trong những năm tới thì cũng có nhiều đại biểu ủng hộ đề xuất này của Chính phủ.
Những đại biểu này cho rằng giảm bội chi sẽ gây khó khăn cho thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng, thiếu nguồn bố trí cho đầu tư, cho trả nợ và nhiều khoản cấp thiết khác. “Đừng để nhiều chính sách đề ra nhưng không có nguồn chi thực hiện như đã từng xảy ra”, đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) nói.
Đa số đại biểu tán thành với chủ trương của Chính phủ về vấn đề tiền lương trong năm 2015. Nhiều đại biểu đề nghị cần có lộ trình tính toán kỹ quy định thang, bảng lương toàn xã hội. Nếu khó khăn mang tính thời điểm thì có thể xem xét trợ cấp đều. Vì việc tăng lương tối thiểu sẽ gây sức ép lên ngân sách mà chưa hẳn đã công bằng, đạt đúng mục tiêu trong bài toán an sinh xã hội.
Nguồn www.chinhphu.vn