1. Nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân đã thăm chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 27 đến 28 tháng 10 năm 2014.
Bản ghi nhớ về hợp tác phát thanh giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Prasar Bharati.
2. Trong thời gian chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự lễ đón chính thức tại Phủ Tổng thống (Rashtrapati Bhavan) và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Mahatma Gandhi tại Khu tưởng niệm Raj Ghat; gặp riêng và hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và dự Quốc yến của Thủ tướng Modi; hội kiến Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, gặp Phó Tổng thống - Chủ tịch Thượng viện Shri Hamid Ansari, tiếp Chủ tịch Hạ viện Smt. Sumitra Mahajan và Bộ trưởng Ngoại giao Bà Sushma Swaraj. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm thành phố Bodh Gaya; tiếp Thủ hiến Bang Bihar Shri Jitan Ram Manjhi. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ đã được tổ chức với sự tham dự đông đảo của các doanh nhân hàng đầu hai nước.
3. Hai Thủ tướng hoan nghênh những bước phát triển gần đây của mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ và tái khẳng định cam kết phát triển toàn diện mối quan hệ Đối tác chiến lược này. Hai Thủ tướng nhất trí cho rằng quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ mang lại hòa bình, thịnh vượng và ổn định cho nhân dân hai nước cũng như trong khu vực. Thủ tướng Modi tái khẳng định Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn trong khu vực và trên thế giới.
4. Hai Thủ tướng ghi nhận quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước dựa trên cơ sở hữu nghị truyền thống, lòng tin son sắt, sự hiểu biết tin cậy, ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau và sự tương đồng về quan điểm trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng về thành công của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào tháng Chín năm 2014 của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee. Hai Thủ tướng cùng hoan nghênh thành công của chuyến thăm Việt Nam vào tháng Tám năm 2014 của Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj. Hai Thủ tướng đề nghị tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn ở các cấp theo các cơ chế đối thoại đã được thiết lập và thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã được ký kết giữa hai nước.
5. Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về những tiến bộ đạt được trong hợp tác quốc phòng, bao gồm trao đổi đoàn, Đối thoại Chính sách Quốc phòng hàng năm, hợp tác giữa các quân binh chủng, trao đổi tàu thăm viếng, đào tạo, nâng cao năng lực và hợp tác tại các diễn đàn khu vực, trong đó có Chương trình Hành động bom mìn vì mục đích nhân đạo. Hai Thủ tướng yêu cầu sớm triển khai Hiệp định tín dụng trị giá 100 triệu USD Mỹ do Ấn Độ dành cho Việt Nam phục vụ mua sắm quốc phòng. Hai Thủ tướng bày tỏ hy vọng rằng quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh Ấn Độ-Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ hiện nay sẽ tiếp tục được tăng cường thông qua trao đổi thường xuyên các đoàn cấp cao.
6. Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế là một mục tiêu chiến lược của quan hệ song phương. Hai Thủ tướng hoan nghênh sự tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại song phương trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Ấn Độ-ASEAN về Trao đổi hàng hóa, đồng thời nhấn mạnh rằng việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Ấn Độ-ASEAN về Dịch vụ và Đầu tư sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế mạnh mẽ hơn giữa Ấn Độ với ASEAN nói chung và với Việt Nam nói riêng. Hai Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng hai bên sử dụng các cơ chế đã được thiết lập như Tiểu ban Hỗn hợp về Thương mại, thông qua cơ chế đối tác công-tư (PPP), hợp tác Doanh nghiệp với Doanh nghiệp (B2B) nhằm thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư giữa hai nước. Hai Thủ tướng kêu gọi hai Bên hợp tác chặt chẽ hướng tới triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
7. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được một Đoàn doanh nghiệp lớn tháp tùng và đoàn này đã có nhiều buổi làm việc với các đối tác thương mại và công nghiệp hàng đầu của Ấn Độ như Phòng Công nghiệp Ấn Độ (CII), Liên đoàn các Phòng Công nghiệp và Thương mại Ấn Độ (FICCI) và Hiệp hội các Phòng Thương mại Ấn Độ (ASSOCHAM). Hai Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp hai nước tìm hiểu các cơ hội kinh doanh của cả hai bên. Lãnh đạo doanh nghiệp hai nước đã xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác bao gồm: khí, điện, cơ sở hạ tầng, du lịch, dệt may, giày dép, y tế và dược phẩm, công nghệ thông tin, điện tử, nông nghiệp, nông sản, hóa chất, máy công cụ và các ngành công nghiệp phụ trợ khác. Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về mức tăng trưởng ổn định của thương mại và đầu tư song phương thông qua hợp tác hiệu quả giữa lãnh đạo doanh nghiệp hai nước. Hai bên nhất trí tiến hành các biện pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ và đa dạng hóa thương mại song phương vì lợi ích chung, nhất trí đạt mục tiêu 15 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2020. Nhằm đạt được mục tiêu này, hai Thủ tướng kêu gọi lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách của hai nước tận dụng hiệu quả những sự kiện như Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ và các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).
8. Hai Thủ tướng tái khẳng định tầm quan trọng của đầu tư đối với phát triển kinh tế cũng như cách thức tạo dựng môi trường huy động đầu tư lớn hơn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các công ty Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam và khẳng định cam kết của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Ấn Độ; Thủ tướng Modi mời các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ với tên gọi ‘Sản xuất tại Ấn Độ’ để cùng hưởng lợi từ sáng kiến mới này. Hai Thủ tướng nhất trí triển khai thực hiện Hiệp định Hợp tác Hải quan và Hiệp định Vận chuyển Hàng hải giữa hai nước nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng hơn.
9. Hai Thủ Tướng hoan nghênh việc ký kết Thoả thuận thăm dò dầu khí ở các dự án mới tại Việt Nam giữa Công ty ONGC Videsh và Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các công ty dầu khí Ấn Độ tận dụng các cơ hội mới tham gia vào hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn tại Việt Nam.
10. Thủ tướng hai nước hoan nghênh việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận về nguyên tắc việc thành lập chi nhánh của Ngân hàng Ấn Độ (Bank of India) tại Việt Nam.
11. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối giữa Việt Nam - Ấn Độ và hoan nghênh việc ký kết Thoả thuận Hợp tác Liên danh giữa Jet Airways và Vietnam Airlines, theo đó các chuyến bay của Jet Airways đến Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tiến hành kể từ ngày 5/11/2014. Hai bên bày tỏ hi vọng Vietnam Airlines sẽ sớm mở đường bay đến Ấn Độ trong thời gian tới. Hai bên cũng khuyến khích các hãng hàng không hai nước thúc đẩy việc mở và khai thác các chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Ấn Độ. Hai bên cũng nhất trí cần thúc đẩy kết nối hợp tác hàng hải giữa hai nước, trước mắt, thiết lập và đẩy mạnh hợp tác đóng tàu.
12. Hai Thủ tướng hoan nghênh việc ký kết Biên bản ghi nhớ về Bảo tồn và Trùng tu các công trình kiến trúc Chăm tại Mỹ Sơn do Viện Khảo cổ Ấn Độ tiến hành; ủng hộ việc tăng cường trao đổi du lịch và văn hoá giữa hai nước. Hai Thủ tướng hoan nghênh việc ký kết Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Đại học Nalanda như là biểu tượng của di sản Phật giáo mà Việt Nam và Ấn Độ cùng chia sẻ. Thủ tướng Narendra Modi cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Học viện Chính trị-Hành chính Hồ Chí Minh tại Hà Nội; và hoan nghênh sự hợp tác giữa Học viện Chính trị-Hành chính Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính công Ấn Độ. Hai Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị Bàn tròn Mạng lưới các học giả ASEAN-Ấn Độ lần thứ 3 tại Hà Nội vào tháng 8/2014.
13. Hai Thủ tướng hoan nghênh việc hợp tác thành lập các viện nghiên cứu nâng cao năng lực tại Việt Nam về công nghệ thông tin, đào tạo tiếng Anh, phát triển doanh nghiệp, máy tính công nghệ cao và các lĩnh vực khác; kêu gọi sớm hoàn tất các dự án hợp tác phát triển đã được hai bên lên kế hoạch, bao gồm dự án thành lập Trung tâm đào tạo Tiếng Anh và Tin học tại Trường Đại học Thông tin Liên lạc tại Nha Trang, Trung tâm Tài năng Phát triển Phần mềm và Đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Dò tìm tín hiệu Vệ tinh và Tiếp nhận Dữ liệu Hình ảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục hợp tác về việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực không gian vũ trụ, bao gồm cả phóng vệ tinh.
14. Hai Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác và phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; nhất trí tăng cường hợp tác nhất là tại ASEAN, RCEP, ARF, ADMM+, EAS, Liên Hợp Quốc, Phong trào Không liên kết, ASEM và WTO, cũng như các cơ chế hợp tác khu vực khác. Hai bên cho rằng việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Điều phối viên quan hệ ASEAN-Ấn Độ trong giai đoạn từ năm 2015-2018 sẽ thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai nước, khi ASEAN tiến tới hoàn thành mục tiêu trở thành Cộng đồng vào năm 2015. Hai Thủ tướng cũng nhất trí tăng cường hợp tác Mekong-Sông Hằng (MGC). Hai Thủ tướng nhấn mạnh nhu cầu cấp bách của việc cải tổ Liên Hợp quốc và mở rộng Hội đồng bảo an cả về thường trực và không thường trực, với đầy đủ đại diện của các nước đang phát triển. Thủ tướng Narendra Modi cảm ơn Việt Nam trước sau như một ủng hộ Ấn Độ trở thành uỷ viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi Hội đồng mở rộng. Hai Thủ tướng khẳng định lại sự ủng hộ lẫn nhau của hai nước ứng cử vào các vị trí uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2021 và Ấn Độ nhiệm kỳ 2021-2022. Ấn Độ cũng nhất trí giúp đỡ Việt Nam xây dựng nâng cao năng lực tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình.
15. Hai Thủ tướng tái khẳng định mong muốn và quyết tâm cùng nhau duy trì hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Hai bên nhất trí cho rằng tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông không thể bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng hoặc đe đoạ sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Hai Thủ tướng hoan nghênh cam kết chung của các bên liên quan tuân thủ và thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002, hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận. Hai Thủ tướng kêu gọi tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bảo đảm an ninh của các tuyến đường biển, an ninh hàng hải, chống cướp biển và các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
16. Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến lễ ký các Thoả thuận sau: (i) Biên bản ghi nhớ về Trường Đại học Nalanda; (ii) Biên bản ghi nhớ về Bảo tồn và Trùng tu các công trình kiến trúc Chàm tại Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam; (iii) Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Trung tâm Tiếng Anh và Đào tạo Tin học tại Trường Đại học Thông tin liên lạc tại Nha Trang; (iv) Chương trình trao đổi Văn hóa giai đoạn 2015-2017; (v) Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát thanh giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Prasar Bharati; (vi) Thỏa thuận khung hợp tác giữa OVL và PetroVietnam; (vii) Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa ONGC và PetroVietnam.
17. Cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng diễn ra trong không khí ấm áp, chân tình và hữu nghị. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Thủ tướng Narendra Modi về sự đón tiếp nồng hậu dành cho Thủ tướng và đoàn Việt Nam, và mời Thủ tướng Modi thăm Việt Nam trong thời gian thích hợp. Thủ tướng Narendra Modi vui vẻ nhận lời. Thời gian của chuyến thăm sẽ được thu xếp qua đường ngoại giao.
New Delhi, ngày 28/10/2014
Văn phòng Chính phủ