Cần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật

Sáng 25/10, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác thi hành án và báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của ngành.

Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa,
chống vi phạm pháp luật và tội phạm. (Ảnh: TTXVN)

Tội phạm vẫn diễn biến phức tạp

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: Năm 2014 (từ 1/10/2013 đến 31/9/2014), trong bối cảnh có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội tuy đã được kiềm chế, nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp.

Về tội phạm ma túy, đã phát hiện và khởi tố điều tra 14.977 vụ với 19.271 bị can giảm 4,11% về số vụ 4,28% về số bị can, thu giữ 576,7kg heroin, 224,2kg và gần 400 nghìn viên ma túy tổng hợp. Các loại tội phạm như tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 16,9%, tội phạm trộm cắp tài sản tăng 13,08%...

Tội phạm kinh tế trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng diễn biến phức tạp; phát hiện nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp; đã phát hiện 1.318 vụ phạm về kinh tế, tăng 1,63%, trong đó phát hiện nhiều đường dây buôn lậu xăng dầu với số lượng lớn. Bên cạnh đó, tình hình vi phạm hành chính còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực; vi phạm pháp luật về môi trường tăng…

Trong năm, chất lượng công tác điều tra, xử lý các loại tội phạm tiếp tục được nâng lên. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm đã được phát hiện và điều tra, xử lý kịp thời, được dư luận quan tâm đồng tình.

Theo Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) Nguyễn Hòa Bình: Năm 2014, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp giảm, tuy nhiên, nhiều vụ gây ảnh hưởng xấu, gây bức xúc dư luận. Tội phạm có tính chất “xã hội đen” diễn biến phức tạp; đã phát hiện nhóm tội phạm đội lốt doanh nghiệp để cưỡng đoạt tài sản; tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc vẫn tiếp tục tăng.

Đồng chí Trương Hòa Bình cũng cho biết, tỷ lệ giải quyết và chất lượng truy tố vẫn đạt cao với 100% các vụ án được khởi tố, tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt và vượt chỉ tiêu, tỷ lệ kháng nghị được Tòa án chấp thuận vượt chỉ tiêu của Nghị quyết 37 của Quốc hội.

Qua công tác xét xử cho thấy, số lượng các vụ án hình sự tăng hơn cùng kỳ năm trước tập trung vào các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tăng 243 vụ), các tội xâm phạm tình dục trẻ em (tăng 424 vụ),... Tội phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn diễn ra phức tạp ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, gây thiệt hại lớn về tài sản, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý vốn của Nhà nước, đầu tư công, giao thông, đất đai, xây dựng cơ bản; tội phạm về môi trường còn diễn ra phổ biến…

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương chủ động phòng ngừa vi phạm trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hôị; đẩy nhanh tiến độ thi hành án hình sự; tập trung đầu tư cơ sở vật chất các cơ sở giam giữ, báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp tình hình hiện nay. Mặt khác, Chính phủ cần đánh giá rõ việc tăng giảm của từng loại vi phạm pháp luật, tội phạm; báo cáo kết quả toàn diện xử lý vi phạm hành chính trong tất cả các lĩnh vực. Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử; không để xảy ra nhục hình, bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; tiếp tục kiện toàn tổ chức cán bộ; xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm đặc biệt với những người có chức danh tư pháp…

Xảy ra vi phạm pháp luật nhưng địa phương không biết

Là người đầu tiên phát biểu, ĐB Bùi Mạnh Hùng (tỉnh Bình Phước) phản ánh: Qua thực tế tiếp xúc cử tri, theo dõi giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân cho thấy, người dân chưa thực sự tin tưởng vào việc đưa ra Tòa phán quyết tính đúng sai của các quyết định của chính quyền mà họ cho là chưa hợp lý. Thực tế cho thấy, trong trường hợp người dân không đồng ý với quyết định giải quyết cuối cùng của cấp có thẩm quyền, nộp đơn và hồ sơ lên Tòa án để khiếu nại tố cáo (KNTC) thì nhiều trường hợp bị cán bộ Tòa án từ chối vì nhiều lý do mà sự giải thích, hướng dẫn thiếu cụ thể khiến người dân lúng túng, từ đó việc khiếu kiện rơi vào bế tắc và hệ quả là khiếu kiện vượt cấp.

Đề cập trực tiếp đến tình trạng thụ lý vụ án còn kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, trong đó có vụ án Lê Bá Mai (Bình Phước), ĐB Bùi Mạnh Hùng đặt câu hỏi: “Không biết đến bao giờ vụ án mới được giải quyết? Đây có phải biểu hiện của việc thiếu tự tin, do năng lực, bản lĩnh hay do bỏ qua trách nhiệm bồi thường hay thiếu kinh nghiệm, vô cảm trước nỗi đau của người dân?”.

Nêu thực trạng quá tải của phạm nhân trong các trại giam, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng điều này ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự an toàn tại các trại giam và liên quan đến chế độ của phạm nhân. ĐB Nguyễn Thái Học cho hay: Cần phải có biện pháp, giải pháp khẩn trương khắc phục tình trạng này.

Đề cập đến sự quan ngại, lo lắng của cử tri về tình hình tham nhũng hiện nay, ĐB Nguyễn Thái Học đặt vấn đề: “Vì sao Đảng, Quốc hội, Chính phủ quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng nhưng chưa đạt yêu cầu, chưa ngăn chặn được tham nhũng?”. ĐB cho biết: Cử tri tha thiết đề nghị, cần phải thực hiện đúng tinh thần nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, làm quyết liệt và đồng bộ để công tác phòng chống tham nhũng thực sự hiệu quả, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, phòng chống vi phạm pháp luật về tội phạm năm 2014, song ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng báo cáo vẫn chưa đề cập đến tình trạng thời gian qua không ít vi phạm pháp luật bị người dân hay báo chí phát hiện, nhưng khi hỏi đến thì địa phương nói “không biết”. “Vậy ở đây là gì, có thông đồng hay là vô trách nhiệm? Đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng đánh giá trên cả nước có bao nhiêu vụ “không biết” và khắc phục tình trạng “không biết” này.

Liên quan đến tình trạng thi hành án treo, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) chỉ ra hàng loạt cán bộ bị tòa tuyên án sau đó chỉ vài tháng đã quay lại nhiệm sở làm việc gây bức xúc trong dư luận thời gian qua…/.

Theo báo cáo của TANDTC: Từ ngày 01/10/2013 đến 30/9/2014, các Tòa án đã giải quyết 385.356 vụ án các loại trong tổng số 415.038 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 92,8%); số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. So với cùng kỳ năm trước, số vụ án đã thụ lý tăng 19.623 vụ; đã giải quyết tăng 20.537 vụ; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,61% (giảm 0,1%).

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Trong năm 2014, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong số vụ việc và số tiền cao hơn những năm trước. Trong số 600.297 vụ việc có điều kiện giải quyết (chiếm 77,03% tổng số vụ việc phải giải quyết) thì đã giải quyết xong 531.095 vụ (đạt tỉ lệ 88,47%) tăng 1,94% so với 2013 và vượt 0,41% so với chỉ tiêu quốc hội giao.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam