Để đến được với đảo, các con vật cũng phải lênh đênh cả chục ngày trên biển, cũng say sóng, bỏ ăn và gầy đi vì mất sức. Trong khi các cán bộ, chiến sỹ và đoàn công tác háo hức được vào đảo, bận rộn với các hoạt động chuyên môn của mình, thì những chú heo, chú chó, cô gà, bà vịt cũng được cẩn thận đưa lên xuồng máy, di chuyển vào đảo.
Chó nuôi trên đảo rất dạn dĩ, ai cũng nựng nịu được.
Đặt chân lên đảo Tiên Nữ, đang loay hoay tác nghiệp thì anh Lý Trường Thịnh (Hãng phim Truyền hình Bình Dương) “phát hiện” các chú heo, sau chục ngày lênh đênh sóng nước Biển Đông, được thả ra trên đảo, đã ù té chạy ngay xuống biển để…tắm. Không những thế, chúng cũng nhanh chóng làm quen với những chú heo, chú chó khác đang sống trên đảo. Nhìn những chú heo, những chó, cả mới lẫn cũ, cùng vẫy vùng trong làn nước mát của Trường Sa, ai cũng vui lây.
Ngoài số vật nuôi được mang ra từ đất liền, nhiều thế hệ chó, heo, gà, vịt được sinh ra ngay tại đảo. Chúng không chỉ thuộc từng gốc cây, đường đi lối lại mà còn quen sống ở đảo tới mức, theo lời kể của nhiều cán bộ, chiến sỹ, nếu đem vào đất liền sẽ khó sống được. Với số lượng lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm con ở những đảo nổi, đi đâu trên đảo cũng gặp những vật nuôi này. Điều đặc biệt là chúng rất “dạn người”, không hề tỏ ra sợ hãi hay e ngại, cũng không hung hăng và giữ khoảng cách như những vật nuôi ở bờ. Lạ hay quen không biết, nhưng ai cũng có thể ôm vài ba chú chó con, nựng nịu thỏa thích. Điều đó càng làm sâu đậm thêm tình cảm giữa những người đất liền với đảo mỗi khi ghé thăm. Thấy những chú chó ở đảo thường hay ngủ ngày, nhiều người thắc mắc thì được các cán bộ, chiến sỹ giải thích: “Tinh thần chiến đấu” cao nên mới vậy, ban ngày ngủ để ban đêm thức, cùng làm nhiệm vụ canh gác với anh em.
Trên các đảo, đặc biệt là những đảo nổi, bóng dáng những cánh cò trắng luôn khiến khách phương xa ngẩn ngơ theo mỗi nhịp chao liệng, nhưng đó là hình ảnh quen thuộc với nhân dân và cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Chim chóc trên đảo không thiếu, thậm chí có thời điểm, những đàn chim di trú đến rất đông. Trên đảo, không ai được bắt chim hay phá tổ và trứng chim là “luật bất thành văn”. Có lẽ nhờ thế, những chú chim cảm thấy tin tưởng và gần gũi hơn với con người. Như chuyện về một “nàng” cò trên đảo Sinh Tồn Đông. Không rõ cô cò này bay đi đâu bị lạc bày, nương lại đảo, rồi trở thành một “công dân” định cư ở đây. Cứ nhìn cách nàng ta lững thững bước chân khắp lối, không ưng đoạn nào lại sải cánh bay lên, thỉnh thoảng lại đến gần mấy chú chó con nghịch ngợm, hay lon ton theo đàn heo,… là đủ thấy nàng cò này đã ung dung, tự tại và xem đảo như nhà mình.
Nét ngộ nghĩnh, đáng yêu của bày vịt khi đi dạo trên bờ biển, của những chú chó con đùa giỡn với đàn heo,… đều là những hình ảnh, những câu chuyện vui mà mỗi người, một khi đã đặt chân lên đảo sẽ không bao giờ quên. Quần đảo Trường Sa thân yêu đâu chỉ có ý chí và quyết tâm của các bộ, chiến sỹ Hải quân, đâu chỉ có sự đồng lòng góp sức bảo vệ chủ quyền của nhân dân, mà còn đang bừng lên sức sống, từ chính những điều giản dị, gần gũi nhất, như cọng rau xanh trong bữa ăn, như tiếng gà gáy mỗi sớm mai thức giấc.
Bảo Bình