Trường Sa: Độc đáo với những tên gọi cây xanh

(NTO) Trong chuyến hành trình tác nghiệp Trường Sa, ấn tượng với cánh phóng viên chúng tôi khi đặt chân lên các điểm đảo Trường Sa là không còn phân biệt được đây là vùng đảo hay đất liền. Vẫn còn đó sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng hôm nay quần đảo Trường Sa đã tràn đầy sức sống. Một màu xanh phủ kín đảo, ngỡ như đang ở đất liền.

Đặt chân lên những điểm đảo ở Trường Sa, ấn tượng nhất với chúng tôi là những tên gọi của các loài cây xanh phủ bóng mát trên đảo. Những loài cây nghe tên qua một lần là đã nhớ, nhưng khi gặp rồi càng sẽ không bao giờ quên và ao ước được có một cây mang về đất liền. Phong ba, Bão tố, Bàng vuông, Mù u, Tra xanh…

 
Các chiến sĩ đảo Trường Sa với hàng cây Phong ba xanh mát.

Quả thật, ở trên quần đảo bão tố này, phải có những loại cây như thế, với những cái tên như thế mới có sức sống, sinh trưởng để chống đỡ với bão tố, khắc nghiệt của đại dương. Những lớp cây đan xen, phủ màu xanh, che bóng mát cho những người lính đảo. Gió thổi vào, cành lá lao xao hoà lẫn tiếng sóng tạo nên những bản nhạc du dương. Trên màu xanh đó, Phong ba nổi lên rõ nét nhất. Cây Phong ba có thân gỗ, lá dày. Hình giống lá dâu da xoan, hoa nhỏ, từng chùm gần giống hoa sữa, màu xanh. Trên các đảo, đôi khi gặp những bụi cây Phong ba kết xoắn vào nhau, vì gió mạnh thổi thường xuyên, cây không cao được, dựa nhau thành những bụi vững chắc. Phong ba thường trồng ngay sát bờ biển. Trừ mùa mưa bão, gió táp lá cháy khô, còn lại luôn xanh tươi. Đứng ở cây Phong ba, phóng tầm mắt ra thấy cả đại dương mênh mông.

Cạnh cây Phong ba, là những cây Bàng vuông được trồng ngay dưới những con đường, khu nhà ở, quanh năm xanh tốt. Cây Bàng vuông y như cây bàng ở trên đất liền, chỉ khác duy nhất 2 điểm: lá vuông và trái vuông. Đây có lẽ món qùa của đại dương chỉ dành riêng cho lính đảo Trường Sa. Những trái bàng vuông to, lớn, ăn có vị bùi, thường được lính đảo chăm sóc, cất giữ làm quà tặng “tình nhân”. Đảo trưởng Nguyễn Đại Dương bày tỏ: “Nhờ những trái Bàng vuông, nhiều người lính đảo đã tìm được người yêu, nên vợ nên chồng và là món quà không thể thiếu của lính đảo khi về đất liền”.

 
Cây Bàng vuông được các phóng viên Báo Ninh Thuận đưa từ Trường Sa về trồng tại cơ quan.

Trong khi đó, cây Tra xanh loài cây có tán rộng, lá xanh giống lá điều nhưng to gấp nhiều lần được trồng ở các khu vui chơi giải trí. Mới chỉ được “gia nhập” lên đảo vài năm trở lại đây nhưng Tra xanh đã khẳng định “chỗ đứng” của mình trong việc phủ xanh, cho bóng mát. Độc đáo hơn, khi được trồng trên đảo, cây cho trái, từng chùm quả như những chùm nho, ăn có vị chua ngọt, rất ngon,…

Có lẽ sự oằn mình chịu đựng những khắc nghiệt của “nơi đầu sóng ngọn gió”, trong điều kiện “dinh dưỡng” khắc nghiệt được chắt ra từ rạn san hô và nước mặn nên làm mỗi loại cây trên đảo có những đặc trưng rất riêng, vững chãi khác thường. Không riêng gì tôi, rất nhiều đồng nghiệp, khách đảo khi nhìn thấy những cây Bàng vuông, Phong ba, Bão táp, Tra xanh…ai cũng ao ước có một cây để đưa về đất liền.