1. Báo chí quốc tế tiếp tục phản ánh về những diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình Biển Đông, sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan đến khu vực, tiếp tục gia tăng các hành động ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng, cộng thêm việc cho công bố bản đồ khổ dọc-trong đó thể hiện đường lưỡi bò 10 đoạn, thay vì 9 đoạn như trước đây, bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông. Dư luận cho rằng, những hành động này càng khiến cho tình hình khu vực trở nên căng thẳng hơn.
Tờ Nhật báo Phố Uôn (The Wall Street Journal) có phân tích đánh giá Vũ khí mới của Trung Quốc trong xung đột ở Biển Đông là tấm bản đồ khổ dọc. Trong một bài viết khác, The Wall Street Journal đã trích lời của Bộ trưởng Truyền thông Australia Malcolm Turnbull (Man-com Thơn-bun) tại Hội nghị các nhà lãnh đạo an ninh và kinh tế ở Đại học Quốc gia Australia cảnh báo rằng: Các hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông đang ảnh hưởng xấu tới hòa bình và an ninh khu vực. Chính sách sử dụng vũ lực đe dọa các quốc gia láng giềng của Trung Quốc sẽ phản tác dụng và đẩy Bắc Kinh vào thế cô lập. Và, Trung Quốc hiện không có bạn bè trong khu vực. Đây được xem là phát biểu thẳng thừng nhất từ trước tới nay của Australia về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Tiếp đó, ông M.Turnbull cho rằng, không thể xây dựng được lòng tin an ninh trong khu vực với cách hành xử của Trung Quốc.
2. Chung quanh dư luận về Quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản vừa được thông qua; các nước Mỹ, Hàn Quốc đã có những bình luận đầu tiên sau quyết định mang tính lịch sử của Nhật Bản.
Trong khi Mỹ hoan nghênh động thái này thì Hàn Quốc bày tỏ sự thận trọng. Theo Thiếu tướng Hải quân John Kirby (Giôn Cơ-bi), Phát ngôn viên Lầu Năm Góc (White House) của Mỹ dẫn lời tuyên bố từ Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel (Chắc Hây-gơ) cho biết: “Ông hoan nghênh chính sách mới của Nhật Bản liên quan đến Quyền phòng vệ tập thể và cho rằng chính sách an ninh mới của Nhật Bản sẽ cho phép các lực lượng phòng vệ nước này có thể tham gia tác chiến trong phạm vi rộng lớn hơn; đồng thời giúp cho liên minh quân sự Mỹ-Nhật hoạt động hiệu quả hơn”. Tuy nhiên, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh, điều kiện để Quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản có thể góp phần vào sự ổn định và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương, đó là nếu nó được thực thi minh bạch đi kèm với tham vấn của các nước láng giềng trong khu vực.
Đây là điều mà nước láng giềng Hàn Quốc quan tâm. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố, nếu chưa được yêu cầu hay đồng ý, nước này sẽ không chấp nhận việc Nhật Bản triển khai Quyền phòng vệ tập thể; đồng thời hối thúc Tokyo (Tô-ki-ô) đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực.
Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe (Sin-dô A-be) đã quyết định thay đổi cách hiểu đối với bản Hiến pháp hòa bình liên quan đến việc thực thi Quyền phòng vệ tập thể. Theo cách hiểu mới, quân đội Nhật Bản giờ đây có thể giúp các đồng minh, trước tiên là Mỹ, nếu các nước này bị kẻ thù chung tấn công, ngay cả khi Nhật Bản không phải là đối tượng bị tấn công.
3. Liên quan đến diễn biến mới ở Ukraina (U-crai-na), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon (Ban Ki-mun) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến bạo lực mới tại miền Đông Ukraina sau khi lệnh ngừng bắn giữa Chính phủ Kiev (Ki-ép) và các lực lượng ủng hộ liên bang hóa chính thức hết hiệu lực. Ông Ban Ki-moon rất thất vọng vì lệnh ngừng bắn do Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko (Pê-trô Pô-rô-sen-cô) công bố chưa đạt được đà cần thiết để chấm dứt bạo lực. Ông cũng kêu gọi các bên ở Ukraina không từ bỏ sáng kiến tìm kiếm một lệnh ngừng bắn hiệu quả và cùng nhau hợp tác để chấm dứt hoàn toàn tình trạng bạo lực thông qua các kênh chính trị và ngoại giao.
Trong khi đó, các Ngoại trưởng Nga, Đức, Pháp, Ukraina đã gặp nhau tại Thủ đô Berlin (Béc-lin) của Đức để tìm cách thúc đẩy các sáng kiến hòa bình nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài ở Ukraina, sau khi Nga và các nước châu Âu không thuyết phục được Ukraina gia hạn lệnh ngừng bắn ở miền Đông nước này.
PV