Họp báo về Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử”

Chiều 19-6, tại Đà Nẵng, Ban tổ chức Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” tổ chức buổi họp báo giới thiệu với các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế.

 
Đại diện Ban tổ chức cuộc họp thông tin những nội dung chính
của Hội thảo với các cơ quan thông tấn, báo chí tại buổi họp báo

Theo Ban tổ chức, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” do Đại học Đà Nẵng và Đại học Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi) phối hợp tổ chức trong 3 ngày: từ 19 đến 21/6/2014. Đây là Hội thảo quốc tế tiếp nối Hội thảo “Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Các khía cạnh lịch sử và pháp lý” do Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức vào tháng 4/2013 tại TP Quảng Ngãi.

Tham dự Hội thảo lần này có gần 100 đại biểu, bao gồm các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam. Nội dung sẽ tập trung vào các vấn đề: Giới thiệu về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; thực tế tranh chấp của hai quần đảo này và tác động đối với hoà bình, an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; kết hợp nêu sự kiện 19/1/1974 và 14/3/1988; sự xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa từ góc độ luật pháp quốc tế; triển vọng, giải pháp chủ yếu giải quyết tranh chấp đối với chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ các hoạt động của Hội thảo lần này, trong ngày 21/6, các đại biểu sẽ tham dự buổi Tọa đàm về sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đồng thời trong ngày này, cũng diễn ra triển lãm về hai quần đảo, với chủ đề “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” sẽ được khai mạc tại Bảo tàng Đà Nẵng. Theo đó, triển lãm sẽ trưng bày các tài liệu, hiện vật lần đầu tiên được công bố, là những bằng chứng lịch sử khẳng định Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách hòa bình, liên tục từ nhiều thế kỷ nay.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng sẽ thu xếp một số các hoạt động tham quan và gặp gỡ nhân chứng cho các đại biểu tham dự Hội thảo, đặc biệt là tạo điều kiện để các học giả, báo chí quốc tế và trong nước gặp gỡ, phỏng vấn các nhân chứng vụ chìm tàu cá ĐNa 90152-TS của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào ngày 27/5/2014 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam như: chủ tàu, thuyền trưởng, các thuyền viên đi trên tàu ĐNa 90152-TS…

Trả lời các câu hỏi do phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí quốc tế và trong nước đặt ra, PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng và TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Đại học Phạm Văn Đồng, đồng Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cho biết, tại Hội thảo lần này sẽ có 34 tham luận liên quan về các vấn đề mà chủ đề của Hội thảo nêu ra. Trong đó, có các tham luận của 19 đại biểu là các học giả, chuyên gia nghiên cứu lịch sử, chính trị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hoặc có các công trình nghiên cứu về Biển Đông đến từ các quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, Úc, Philipines….

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam