Tỉ lệ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao
Báo cáo kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012; ở các xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 47% (2006) xuống 28,8% (2010); tại 62 huyện nghèo giảm từ 58,33% (2010) xuống 43,89% (2012). Giai đoạn 2005 - 2012 tỉ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân mỗi năm giảm từ 2,3 - 2,5%.
Quốc hội thảo luận tại Hội trường. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Về quy mô, kết quả giảm nghèo diễn ra ở tất cả các vùng, miền, thành thị và nông thôn trong các nhóm đối tượng. Năm 2005, có 6 vùng tỉ lệ nghèo ở mức trên 20%, năm 2010 còn 4 vùng, năm 2011 còn 2 vùng và năm 2012 chỉ còn miền núi Tây Bắc có tỉ lệ hộ nghèo trên 20% (28,55%).
Qua giám sát cho thấy, mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao. Một số địa phương có tỷ lệ nghèo giảm nhưng cận nghèo tăng chưa có giải pháp khắc phục.
Tỉ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước. Năm 2012, các xã 135 tỉ lệ nghèo vẫn ở mức trên 40% và còn khoảng 900 nghìn hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người ở các xã này chỉ bằng khoảng 30% so với thu nhập chung khu vực nông thôn; cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế.
Đối với khu vực đô thị, một bộ phận người nghèo, người có thu nhập thấp có xu hướng phát sinh do quá trình đô thị hóa, di cư nông thôn - đô thị, phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong cuộc sống do phải bảo đảm chi phí đắt đỏ cho các dịch vụ y tế, nhà ở, giáo dục, đi lại và sinh hoạt tối thiểu. Ngoài ra, vấn đề nghèo còn chịu ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, rủi ro trong cuộc sống và tệ nạn xã hội.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê, đánh giá toàn diện về tác động của di dân, tái định cư, định canh do xây dựng các công trình thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các công trình hạ tầng đối với vấn đề nghèo, song thực tế cho thấy có một số nguy cơ đang tiềm ẩn đối với nghèo đói từ những vấn đề này.
Công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như nguồn lực đối với chính sách giảm nghèo còn hạn chế.
Kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến năm 2020, mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo bình quân trong cả nước ít nhất 1,5%/năm, đối với các huyện nghèo giảm 4%/năm là phù hợp và có tính khả thi đối với điều kiện kinh tế -xã hội và mức thu nhập của người dân, đồng thời, quá trình cải cách nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động sẽ tác động tích cực để cải thiện cuộc sống cho người nghèo và những địa bàn khó khăn.
Hệ thống chính sách giảm nghèo sẽ điều chỉnh theo hướng tăng cơ hội để tiếp cận chính sách, tạo sự đồng thuận và chủ động tham gia của người nghèo vào quá trình thoát nghèo của mình với vai trò chủ đạo của Nhà nước và hỗ trợ của xã hội, hướng mạnh hơn vào việc đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo, tránh những rủi ro có thể tái nghèo.
Cần xây dựng các giải pháp giảm nghèo đúng hướng
Đề cập đến chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe, đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) đề nghị bổ sung kinh phí vào cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho các địa phương nghèo, đặc biệt là các trạm y tế xã, các trạm y tế vùng thôn bản để tạo điều kiện cho dân nghèo và DTTS tiếp cận với các dịch vụ y tế thuận lợi hơn, và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Mặt khác, đại biểu Thu Anh cho rằng cần phải có chính sách đặc biệt cho các cán bộ y tế; tăng cường đào tạo cán bộ y tế là người DTTS cho các trạm y tế xã, các trạm y tế vùng thôn bản; khuyến khích và hỗ trợ học phí cho con em thôn bản huyện nghèo có trình độ được đi học ngành y với cam kết sẽ quay trở về địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương) nêu ý kiến nguồn lực dành người nghèo cần phải đa nguồn vì vậy vấn đề đặt ra là cần bảo đảm các nguồn lực được tập trung, tránh dàn trải; bố trí các nguồn lực phải bám sát tình hình của địa phương, để địa phương chủ động sử dụng, đảm bảo nguồn vốn giảm nghèo hiệu quả, sát thực tế.
Bên cạnh ưu tiên các gói chính sách tín dụng trực tiếp cho hộ nghèo đã đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, thì đại biểu Hương Thảo cho rằng chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo cần phải điều chỉnh mức cho vay, lãi suất, thời gian linh hoạt, phù hợp với địa bàn và gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nghèo; cần xây dựng các giải pháp giảm nghèo đúng hướng từ đó sẽ nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) đề nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để có giải pháp thiết thực hơn. Nên chăng, dạy nghề phải gắn với các chương trình dự án cụ thể của từng địa phương; tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp phát triển sản xuất; chính sách cho nhà khoa học liên kết với địa phương qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao đời sống cho các hộ nghèo.
Mặt khác, đại biểu Lưu Thị Huyền chỉ ra khi Chính phủ triển khai các Chương trình hỗ trợ giảm nghèo thì cần phải bố trí đủ nguồn lực, đồng thời phải có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm nguồn vốn sử dụng hiệu quả; Xây dựng chính sách người nghèo cũng phải có sự phân nhóm đối với nhóm người nghèo kinh niên; nhóm người nghèo tạm thời để có chính sách phù hợp với từng đối tượng; hạn chế cơ chế bao cấp, cho không mà chỉ sử dụng cơ chế này khi thực sự cần thiết, tránh tình trạng lười lao động, ỉ lại. Các chính sách hỗ trợ nghèo cần phải hướng đến hỗ trợ để phát huy tự lực vươn lên thoát nghèo.
Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) nêu ý kiến những nơi nào lãnh đạo thực sự quan tâm đến công tác giảm nghèo, làm tốt xã hội hóa trong giảm nghèo, liên kết hóa, doanh nghiệp hóa thì địa phương đó thành công trong xóa đói giảm nghèo, thoát nghèo nghèo bền vững và ngược lại. Cần phải giúp người nông dân hiểu rằng muốn thoát nghèo bền vững phải bằng chính sức lao động của bản thân bằng cách liên kết từng hộ, liên kết từng xã, liên kết vùng với nhau để có được những mặt hàng hóa chủ lực, tạo ra giá trị gia tăng lớn.
Bên cạnh đó, từ 2010 đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội không được cấp bổ sung vốn điều lệ, một số chương trình vốn bổ sung thấp hoặc chưa bố trí vốn kịp thời, nguồn vốn của địa phương ủy thác rất thấp. Do đó, đại biểu đề nghị cần tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng chính sách xã hội để đảm bảo cân đối cung cầu nhằm giảm nghèo bền vững cho hàng triệu hộ nghèo.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam