Có nên lấy các danh hiệu thi đua làm căn cứ để xét khen thưởng?
Theo Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày, việc sửa đổi, bổ sung Luật thi đua, khen thưởng lần này tiếp tục khẳng định mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng. Mọi cá nhân, tổ chức tham gia thi đua đều được xem xét, tặng thưởng các danh hiệu thi đua nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định; cá nhân, tập thể lập được thành tích xuất sắc, có công trạng trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sẽ được ghi nhận biểu dương, khen thưởng.
Về việc xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, dự thảo quy định, thời điểm xét, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động) 5 năm xét một lần vào dịp Đại hội thi đua yêu nước các cấp thay cho xét tặng hằng năm như hiện nay; thời điểm xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước là 3 năm xét tặng một lần thay cho 2 năm xét một lần như hiện nay, nhằm nâng cao giá trị tôn vinh. Thời điểm xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” cũng là 5 năm một lần thay cho 2 năm một lần như hiện nay, để thống nhất với việc xét “Giải thưởng Hồ Chí Minh” 5 năm xét tặng một lần.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày nêu rõ: Về cơ bản, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng đã sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng theo hướng không lấy danh hiệu thi đua làm điều kiện, tiêu chuẩn để xét khen thưởng.
Về việc không lấy các danh hiệu thi đua làm căn cứ để xét khen thưởng có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với quan điểm của Ban soạn thảo, để các hình thức khen thưởng thực sự có ý nghĩa tôn vinh, thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khen theo mức độ cống hiến, đóng góp, phạm vi ảnh hưởng của thành tích; đồng thời hạn chế được việc cộng dồn thành tích và khen thưởng trùng lắp, một số trường hợp được khen thưởng nhưng tính tiêu biểu, nêu gương chưa cao. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, giữa thi đua và khen thưởng luôn có quan hệ chặt chẽ với nhau; quy định như dự thảo Luật chưa thể hiện được mối quan hệ khen thưởng chính là kết quả của phong trào thi đua cũng như tác động của khen thưởng đối với phong trào thi đua. Hơn nữa, khi các tiêu chuẩn khen thưởng còn định tính thì cần thiết phải quy định cụ thể các tiêu chuẩn về danh hiệu thi đua để làm cơ sở cho việc khen thưởng được chính xác hơn.
Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, quan điểm xuyên suốt trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng là phải đảm bảo mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng. Hiểu theo nghĩa rộng, việc sửa đổi tiêu chuẩn khen thưởng nhà nước như Tờ trình của Chính phủ là tương đối hợp lý vì các tiêu chuẩn phải đạt để được khen thưởng nhà nước đều gắn với những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, có quá trình cống hiến và có ảnh hưởng tích cực đến xã hội, cho nên việc sửa đổi, bổ sung này vẫn đảm bảo mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng.
Xem xét quy định về điều kiện lưu trú, tạm trú tại các thành phố lớn
Theo Ban soạn thảo, dự án Luật Cư trú sửa đổi lần này góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong Luật Cư trú hiện hành và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư, nhất là khu vực nội thành của các thành phố lớn.
Đóng góp ý kiến, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nhấn mạnh, hiện nay việc giáo dục trẻ em là trách nhiệm lớn của môi gia đình và của toàn xã hội. Thời gian qua tình trạng nhiều nhà hàng, khách sạn quán bar và nhiều gia đình đã sử dụng lao động là trẻ em và lao động chưa thành niên bất hợp pháp như thuê các em làm giúp việc gia đình, làm thuê tại các nhà hàng, khách sạn…Điều này cho thấy, Luật cư trú hiện hành đã thiếu quy định cụ thể để quản lý người lưu trú, tạm trú đặc biệt là trẻ em. Bởi vậy, công tác quản lý người lưu trú, tạm trú, nhất là các đối tượng là trẻ em chưa đem lại hiệu quả cao ở nhiều nơi.
Do đó, đại biểu Ngô Thị Minh đề nghị bổ sung vào Điều 30 của Luật hiện hành về đăng ký tạm trú là trường hợp người đăng ký chưa đủ 18 tuổi phải có ý kiến yêu cầu của người giám hộ hoặc có văn bản chứng minh được mối quan hệ gia đình giữa chủ hộ với người đăng ký tạm trú. Đồng thời, đề nghị tại Điều 33 nói về trách nhiệm của Bộ Công an trong công tác quản lý cư trú cần bổ sung thêm một khoản mới với nội dung xây dựng văn bản triển khai và chỉ đạo kiểm tra đột xuất tình trạng lưu trú, tạm trú tại gia đình, các nhà hàng, khách sạn…tại các thành phố để đối chiếu với sự khai báo tạm trú, lưu trú của nhân dân, nhằm phát hiện xử lý tình trạng khai báo lưu trú, tạm trú không trung thực, đặc biệt với các đối tượng lưu trú, tạm trú là trẻ em và đối tượng chưa thành niên.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Thành phố Đà Nẵng) cho rằng, cần có quy định chặt chẽ về điều kiện thường trú ở thành phố trực thuộc Trung ương so với các địa phương khác, vì những năm gần đây dưới sức ép của quá trình đô thị hóa và việc làm của người dân ở nông thôn bị thu hẹp, mức sống thấp nên đã di cư ra các thành phố lớn gây mất cân đối về dân cư, an sinh xã hội và kéo theo nhiều hệ lụy khác. Tình trạng di cư như trên khiến những điều kiện về cơ sở hạ tầng như y tế, giáo dục, giao thông, điện nước, nhà ở và các dịch vụ công cộng khác không đáp ứng được yêu cầu của người di cư mà còn ảnh hưởng đến người đã có đăng ký thường trú tại thành phố đó. Bởi vậy, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị giao cho HĐND thành phố quy định diện tích bình quân chỗ ở đối với trường hợp đăng ký thường trú, tạm trú. "Điều này cần phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi thành phố"- đại biểu Thúy nhấn mạnh.
Đại biểu Thúy cũng cho biết, tại khoản 4 Điều 18 Luật quy định HĐND thành phố trực thuộc Trung ương quyết định biện pháp quản lý dân cư ở thành phố và tổ chức đời sống dân cư ở đô thị. Bởi vậy, nên bỏ xác nhận của UBND phường về điều kiện diện tích bình quân chỗ ở nói trên theo báo cáo giải trình tiếp thu của Chính phủ ngày 5/6/2013.
Đồng thời, đại biểu Thúy cũng nhấn mạnh, để quản lý tốt được việc lưu trú, tạm trú, cần phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Người dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này và nên quy định khi phát hiện vi phạm phải xử lý cả hai bên, cả bên cho thuê mượn ở nhờ và cả bên đi thuê mượn ở nhờ. Đồng thời, phải xác định đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý chứ không phải chỉ người dân./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam