Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội,
Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992,Trưởng ban biên tập Dự thảo
sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu
ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. (Ảnh: TTXVN)
Theo Báo cáo, hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị. Việc lấy ý kiến nhân dân không chỉ huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân ở trong nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài để góp ý, hoàn thiện Dự thảo mà còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Dự thảo Hiến pháp, cũng như thực thi Hiến pháp sau này.
Với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, theo báo cáo của các cơ quan, tổ chức hữu quan, tính đến nay, đã có hàng chục triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với hàng chục nghìn hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức.
Về Điều 1, các ý kiến cho rằng, Dự thảo đã thể hiện rõ những tiêu chí cơ bản của Nhà nước như: Tên nước, hình thức chính thể, chủ quyền quốc gia.
Riêng về tên nước, còn có các loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, đa số ý kiến đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ XHCN của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7 năm 1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị lấy lại tên gọi Việt Nam Dân chủ cộng hòa vì tên gọi này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập tháng Tám năm 1945. Tên gọi này đã được chính thức ghi nhận trong Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945 và tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, thể hiện rõ thể chế chính trị của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ. Ý kiến này cho rằng, việc lựa chọn tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hòa không làm ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta vì Lời nói đầu cũng như các quy định khác của Dự thảo đều khẳng định con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị một số tên gọi khác.
Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến nêu trên, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Việt Nam Dân chủ cộng hòa đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ. Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Về Điều 4, ý kiến nhân dân tán thành việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; tán thành bổ sung quy định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
Theo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết. Quy định này kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp hiện hành, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Dự thảo đã bổ sung quy định về bản chất của Đảng theo tinh thần mới của Cương lĩnh, đó là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”. Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng như vậy, nên nhân dân ta mới thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng và ghi nhận vào Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước. Do vậy, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho giữ Điều 4 như Dự thảo đã công bố.
Tiếp theo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011. Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2011 với: Tổng số thu cân đối NSNN là 962.982 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011); Tổng số chi cân đối NSNN là 1.034.244 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012); Bội chi NSNN 112.034 tỷ đồng, bằng 4,4% GDP.
Qua công tác quyết toán, kiểm toán, thanh tra, các hiện tượng chi tiêu sai chế độ quy định đã được chấn chỉnh; tuy nhiên, tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao, chi tiêu lãng phí, sai chế độ vẫn còn tồn tại ở một số đơn vị. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi các khoản chi sai chế độ theo quy định; Kho bạc Nhà nước phát hiện 48.500 khoản chi sai chế độ với số tiền 302 tỷ đồng; việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định.
Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.
Cũng trong buổi chiều, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng. Điểm nhấn trong Tờ trình là việc bổ sung đối tượng không chịu thuế gồm: Bảo hiểm về con người, bảo hiểm nông nghiệp cho phù hợp với Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, bổ sung năm 2010; Bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thuỷ sản; Dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng, bán nợ, kinh doanh ngoại tệ; Tài sản bảo đảm của khoản nợ bán ra của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Cũng để góp phần hỗ trợ cho người có thu nhập thấp mua nhà ở và giải quyết hàng tồn kho lớn trong lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng, Chính phủ trình Quốc hội ban hành giải pháp giảm 50% thuế GTGT đầu ra đối với những hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70 m2, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, mà những hợp đồng này phát sinh trong giai đoạn từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014.
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.
Tiếp theo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Đáng chú ý, Luật Thuế TNDN hiện hành quy định mức thuế suất phổ thông là 25%. Để thực hiện Chiến lược cải cách thuế đến năm 2020 là giảm dần mức động viên, dự thảo Luật quy định từ 01/01/2014 áp dụng mức thuế suất phổ thông là 22%; DN sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất phổ thông 20% kể từ 01/7/2013. Từ ngày 01/01/2016, mức thuế suất phổ thông là 20% (khoản 6, Điều 1) và mức thuế suất ưu đãi 20% được điều chỉnh giảm xuống còn 17% (khoản 7, Điều 1).
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam