Thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2013

Báo điện tử Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Thông cáo báo chí về một số nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2013.

 Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2013. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Ngày 26/04/2013, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 04/2013.

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung và tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, và các Nghị quyết của Chính phủ số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2013, số 02/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; đồng thời tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch đề ra.

Nhìn chung, kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm đã có chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Nổi bật là:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2013 tăng 0,02% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 4 năm qua[1]. So với tháng 12/2012, CPI tháng 4/2013 tăng 2,41%, cũng là mức tăng thấp nhất trong 4 năm qua[2].

Lãi suất huy động VND ở mức ổn định và có xu hướng giảm[3]. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định. Ngân hàng Nhà nước tích cực mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Thanh khoản của toàn hệ thống được đảm bảo.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39,46 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng trở lại.

Trong 4 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký ước đạt khoảng 8,22 tỷ USD, tăng 17%, vốn thực hiện ước đạt 3,75 tỷ USD, tăng 3,9% với cùng kỳ năm trước; giải ngân vốn ODA đạt khá.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 4 tháng đầu năm 2013 ước tăng 5%. Tuy gặp nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh và thị trường, song sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển.

Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 23.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 123,38 nghìn tỷ đồng; đặc biệt, 8.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động.

Tính chung 4 tháng đầu năm ước tạo việc làm cho khoảng 495.000 lao động, đạt 30,9% kế hoạch.

An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được triển khai tích cực, nhất là việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm chỉ đạo. Công tác thông tin, tuyên truyền, cải cách hành chính, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; chính trị xã hội ổn định. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.

Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được nêu trên, việc triển khai còn chậm, kết quả chưa vững chắc, còn nhiều khó khăn vướng mắc. Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2013 là rất nặng nề. Từ kết quả của 4 tháng đầu năm, cùng với những diễn biến không thuận lợi của kinh tế thế giới, đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt, năng động, sáng tạo, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó, cần tập trung vào các trọng tâm sau:

Kiên trì nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, tiếp tục thực hiện những giải pháp trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP và các Nghị quyết, chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhiệm vụ hàng đầu của các Bộ trưởng là ban hành cơ chế, chính sách phù hợp. Yêu cầu từng Bộ trưởng phải khẩn trương cụ thể hóa những chủ trương thành các cơ chế chính sách cụ thể, đồng thời chỉ đạo triển khai quyết liệt.

Kinh tế vĩ mô tuy có bước chuyển biến tích cực nhưng không được chủ quan, phải tăng cường hơn nữa. Trước hết tập trung kiềm chế lạm phát, kiểm soát cung tiền (M2), đảm bảo kế hoạch tăng trưởng tín dụng và rải đều ra các tháng còn lại trong năm. Điều hành lãi suất mạnh mẽ hơn để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Nếu cần thì xem xét quy định trần lãi suất cho vay có mức chênh lệch hợp lý so với lãi suất huy động và tăng cường kiểm tra việc thực hiện. Tiếp tục giữ ổn định tỉ giá, tăng dự trữ ngoại hối.

Kiên quyết bảo đảm kế hoạch thu, chi, bội chi ngân sách Nhà nước. Trước mắt, đối với những nhiệm vụ chi quan trọng, nếu có khó khăn sẽ xem xét áp dụng các biện pháp như tạm ứng, cho vay. Đồng thời phải tăng cường thực hiện tiết kiệm chi, nhất là chi hội họp, tiếp khách, đi nước ngoài...

Tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh đầu tư từ các nguồn trái phiếu Chính phủ, ngân sách Nhà nước, vốn ODA, FDI. Đối với những công trình cấp bách sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, có thể xem xét cho ứng trước vốn. Rà soát lại các dự án ODA, bảo đảm vốn đối ứng và triển khai hiệu quả. Đổi mới môi trường kinh doanh mạnh hơn nữa để tạo điều kiện thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Đối với những dự án có khả năng thu hút các nguồn vốn xã hội, cần tập trung chỉ đạo, làm tốt khâu chuẩn bị dự án đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai.

Tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Đối với tái cơ cấu đầu tư công cần tiếp tục rà soát để chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Sớm công bố kế hoạch đầu tư trung hạn để các Bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai. Tập trung thực hiện các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trong đó, đẩy mạnh cổ phần hóa, xem xét việc bán bớt một phần vốn Nhà nước ở những doanh nghiệp có quy mô vốn hóa thị trường lớn để có thêm vốn đầu tư cho những công trình, dự án cần thiết.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Nhất là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý.

Quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nhất là đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, vùng đồng bào dân tộc, vùng bị thiên tai... Chú trọng thực hiện xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm; xây dựng nông thôn mới; phát triển giáo dục; chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh; kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả việc nhập lậu gia cầm, thực phẩm...

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước. Tăng cường phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là xử lý những vụ việc tồn đọng, kéo dài.

Triển khai có hiệu quả các giải pháp đồng bộ để bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền định hướng về cơ chế, chính sách của Chính phủ, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội. Các bộ, ngành địa phương chủ động cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ đồng thời đấu tranh có hiệu quả trước những thông tin sai trái. Tăng cường bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Các Bộ, ngành chức năng chủ động, phối hợp triển khai phục vụ tốt Hội nghị Trung ương lần thứ 7 và kỳ họp Quốc hội thứ 5 khóa XIII.

Nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam, Chính phủ đã nhất trí trình Quốc hội sửa đổi điều 170 Luật Doanh nghiệp. Theo đó, cho phép doanh nghiệp chưa đăng ký lại tiếp tục hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp; trường hợp điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy định tại Giấy phép đầu tư doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm điều chỉnh./.

-----------------------------------------------

[1] So với tháng trước, CPI tháng 4 các năm 2010-2013 lần lượt là: 0,14%; 3,32%; 0,05% và 0,02%.

[2] Cùng kỳ năm 2012 tăng 2,6%; năm 2011: 9,64%; năm 2010: 4,27%.

[3] Hiện nay, lãi suất huy động của TCTD phổ biến ở mức 1-2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6-7,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khoảng 9,5-10,5%/năm.

Nguồn www.chinhphu.vn