Bước đi cân bằng lợi ích

Dư luận quốc tế đang hướng sự quan tâm tới chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama (Barack Obama), đưa ông đến Ixraen, Palextin và Gioócđani.

Diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và đồng minh truyền thống Ixraen không mấy "xuôi chèo mát mái" trong nhiệm kỳ vừa qua, tình hình Trung Đông có nhiều diễn biến phức tạp khi tình hình xung đột tại Xyri có nguy cơ trở thành mồi lửa lan rộng ra toàn khu vực, giới quan sát nhận định chuyến công du phần nhiều sẽ chỉ mang tính biểu tượng, khó có thể tạo được bước đột phá trong các vấn đề "nóng" của khu vực. Tuy nhiên, quan trọng hơn, đây là bước đi đầu tiên cho thấy những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng 4 năm sắp tới - đó là cân bằng lợi ích giữa các khu vực.

Lần đầu tiên đặt chân tới Ixraen trên cương vị tổng thống Mỹ, chương trình nghị sự của ông Ôbama không nằm ngoài các nội dung liên quan tới quan hệ song phương, trong đó nhà lãnh đạo Oasinhtơn tái khẳng định các cam kết của Mỹ đối với an ninh và lợi ích của Ixraen. Tiếp đến là tình hình bất ổn trong khu vực với cuộc nội chiến tại Xyri, quan hệ căng thẳng giữa Ixraen và Iran liên quan tới hồ sơ hạt nhân gây tranh cãi của nước CH Hồi giáo này và tiến trình hòa đàm ngưng trệ giữa Nhà nước Do Thái với chính quyền Palextin. Theo các chuyên gia phân tích, Tổng thống Ôbama không tìm kiếm bất kỳ giải pháp then chốt nào cho các vấn đề nổi cộm của khu vực và mục tiêu được đặt lên hàng đầu là giữ cho các vấn đề này, từ tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân bị tình nghi của Iran đến cuộc xung đột dai dẳng giữa Ixraen và Palextin, không lên đến "điểm sôi".

Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước tiên, Tổng thống Ôbama cần xóa bỏ sự hoài nghi của người Ixraen về chính sách của Nhà Trắng đối với Ten Avíp (Tel Aviv) sau 4 năm của nhiệm kỳ đầu khi quan hệ giữa hai bên kém phần mặn mà, nếu không muốn nói là lạnh nhạt. Mỹ phản đối ra mặt các kế hoạch mở rộng khu định cư Do Thái của Ixraen, coi đây là nhân tố chính khiến tiến trình đàm phán với Palextin bị đình trệ. Thêm vào đó, Mỹ cũng không hào hứng với những tuyên bố về cái gọi là "giới hạn đỏ" mà chính quyền của Thủ tướng cực hữu Bengiamin Nêtaniahu (Benjamin Netanyahu) đưa ra cho Iran, trong khi Oasinhtơn ngả về các giải pháp chính trị - ngoại giao. Các chuyên gia Trung Đông đánh giá Iran là nguyên nhân khiến quan hệ giữa bộ đôi Ôbama và Nêtaniahu trở nên xấu đi và đẩy mối quan hệ giữa một tổng thống Mỹ với một thủ tướng Ixraen rơi vào tình trạng tồi tệ nhất từ trước tới nay. Đối với ông Ôbama, việc bắt đầu nhiệm kỳ hai bằng một mối quan hệ vững chắc hơn với Ixraen có thể khiến cho hai nước dễ dàng phối hợp với nhau hơn trong một loạt vấn đề cấp bách của khu vực.

Không phải ngẫu nhiên Tổng thống Ôbama lựa chọn Trung Đông là đích công du đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai này. Nếu như trong 4 năm trước, các vấn đề khó khăn kinh tế trong nước, chính giới mâu thuẫn,... buộc Oasinhtơn phải có sự chuyển hướng trong các chính sách của mình, đặc biệt là đối ngoại, thì giờ là lúc để Nhà Trắng tiếp tục cân nhắc những điều chỉnh mới nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích tại các khu vực. Bốn năm trước, ban lãnh đạo Mỹ tập trung nỗ lực vực dậy nền kinh tế bị chao đảo bởi "bão" tài chính 2007-2008, đặt mục tiêu khép lại hai cuộc chiến "hao người tốn của" tại Irắc và Ápganixtan, chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á- Thái Bình Dương, vì thế các hồ sơ hạt nhân của Iran và tiến trình hòa đàm Ixraen - Palextin trở nên mờ nhạt. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới vị thế của Mỹ tại Trung Đông, nơi trở nên "nóng bỏng" hơn trong hai năm qua với sự bùng phát của cái gọi là "Mùa Xuân Arập".

Để đảm bảo các lợi ích của mình, Mỹ cần một tầm nhìn xa hơn khi đối mặt với những thách thức khẩn trương, phức tạp và liên quan chặt chẽ với nhau tại địa bàn "nóng bỏng" này. Với việc lựa chọn điểm đến Trung Đông, Tổng thống Ôbama đã phần nào thể hiện sự chuyển hướng chính sách ngoại giao của mình, tiếp sau chuyến công du châu Âu mới đây của tân Ngoại trưởng Giôn Keri. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đi đầu tiên và Mỹ cần đến một chiến lược mới đối với khu vực này.

Theo TTXVN