Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ. (Ảnh: TTXVN)
Chiều 22/10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013.
Khó cân đối ngân sách
Báo cáo dự toán ngân sách năm 2013 của Chính phủ cho biết, với lộ trình cải cách tiền lương (theo dự kiến từ 1/5/2013 điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng và nâng phụ cấp công vụ từ 25% lên 30%), ngân sách Nhà nước sẽ phải bố trí khoảng 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên do khả năng cân đối ngân sách năm 2013 khó khăn, phương án cân đối mới bố trí được trên 28.900 tỷ đồng.
Căn cứ tình hình thực tế thu ngân sách năm 2012 và những tháng đầu 2013, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về khả năng cải cách tiền lương năm 2013 tại kỳ họp thứ 5 (5/2013).
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, ngay trong Ủy ban cũng đang còn có những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất là hoàn toàn đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Bởi từ năm 2003 đến nay đã tăng lương tối thiểu 8 lần. Năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, chưa thể bố trí tiền cải cách lương nên hoàn toàn đồng tình với Chính phủ.
Quan điểm thứ hai cho rằng trong tình hình đời sống khó khăn, cần sớm thực hiện lộ trình tăng lương và áp dụng từ 1/7/2013. Nguồn tiền lương có thể được lấy từ các khoản tăng thu nội địa và thu từ dầu khí, hoặc tiết kiệm một số khoản chi không cần thiết.
Với mục tiêu dự toán tăng 14,4% so với năm 2012, thấp hơn các năm, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cân nhắc điều chỉnh tăng thêm 3-5% để tạo nguồn lực thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.
Không sợ tăng lương làm tăng giá
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng nên giảm những khoản chi không cần thiết để có tiền tăng lương. Ông Ngân nói: “Để có nguồn tăng lương, Chính phủ phải tăng thu nội địa; phải giảm những khoản chi không cần thiết, nhất là các khoản chi liên quan đến lễ hội, kỷ niệm, những khoản chi công mà hiện nay Chính phủ cũng thừa nhận là có sự lãng phí”.
Ông Ngân cũng nói thêm, mấy năm gần đây, việc tăng lương đã không còn gây sốc đến nền kinh tế. Chúng ta cũng không tăng lương vào đầu năm vì vậy lương không còn là yếu tố nóng làm tăng giá; yếu tố tâm lý tăng giá do tăng lương cũng đã nhẹ hơn trước rất nhiều. Vì vậy, không sợ tăng lương trong thời điểm hiện nay sẽ làm tăng giá.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) gợi ý: “Chính phủ có thể chia tăng lương thành 2 đợt, từ 1/5/2013 và cuối năm để bảo đảm ngân sách chịu đựng được. Chúng ta không nên sợ tăng lương sẽ kéo theo tăng giá. Chúng ta có thể không tăng ngân sách cho một số khoản khác, nhưng lương thì phải bảo đảm tăng đúng lộ trình”.
Ở một góc độ khác, TS Trần Du Lịch (Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho biết tăng lương trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước cần đi đôi với thực hiện hiệu quả tinh giản biên chế, nâng cao năng lực làm việc của công chức, viên chức. “Hai công việc này (tăng lương và tinh giản biên chế-PV) cần được làm song song và thực chất thì mới đảm bảo giá trị đồng lương cho công chức”, ông Lịch nói.
Nguồn www.chinhphu.vn