Nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo vẫn ở mức cao

Sáng 5/6, tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nêu rõ, mục đích cuộc giám sát là đánh giá tình hình ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc; nguyên nhân, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện khuôn khổ chính sách, pháp luật và thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Qua quá trình giám sát, giai đoạn 2006-2011, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 432.788 tỷ đồng, bằng 49,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ.

Bên cạnh đó, hàng năm Nhà nước còn bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương mỗi năm từ 7 đến 8 ngàn tỷ đồng chủ yếu dành hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão, dịch bệnh,…; chi hơn 2 ngàn tỷ đồng hỗ trợ nông dân thông qua chính sách miễn, giảm thuế nông nghiệp và khoảng 8 ngàn tỷ đồng vốn thu từ xổ số kiến thiết hàng năm được ưu tiên tập trung cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Lâm Thành phát biểu ý kiến
Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Thủy lợi là lĩnh vực được quan tâm hàng đầu; Hạ tầng giao thông nông thôn đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư và đạt được kết quả rất quan trọng. Đến năm 2011, cả nước có 8.940 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, chiếm 98,6% tổng số xã; Lưới điện trung và hạ áp tại các địa bàn nông thôn đã được mở rộng mạng lưới cung cấp điện tới các xã, huyện thuộc các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến năm 2011 đã có 99,8% số xã và 95,5% số thôn có điện.

Đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp được chú trọng, từng bước phát triển giống mới có năng suất, chất lượng cao đã tác động tích cực đến sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sống trên địa bàn nông thôn. Đến nay có 4.208 cơ sở sản xuất giống đáp ứng nhu cầu, trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả,… được dùng giống mới.

Kết quả thực hiện các chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2006-2011 đã góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, an sinh xã hội vẫn được đảm bảo, năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo nông thôn còn 9,45%, giảm 12% so với 2006.

Tuy nhiên, báo cáo giám sát cũng đã nêu rõ một số hạn chế, yếu kém chủ yếu. Trong đó, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn thiếu so với nhu cầu. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều thiếu vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển của ngành, địa phương.

Mặc dù công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đã được các cấp, ngành quan tâm hơn trước, nhưng nhìn chung chất lượng quy hoạch còn hạn chế, chưa sát thực tế, thiếu tính khoa học, chưa gắn với nguồn lực thực hiện, còn có sự chồng chéo, không phù hợp giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gây lãng phí nguồn lực.

Tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao; một số nơi việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật và pháp luật trong đầu tư chưa nghiêm túc, còn để xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư; chưa thực hiện tốt cơ chế dân chủ và phát huy sức mạnh tổng hợp của người dân trong tổ chức thực hiện đầu tư.

Công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo vẫn ở mức cao; còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định an ninh trật tự nông thôn. Cơ sở hạ tầng mặc dù đã được tăng cường đầu tư nhưng nhiều khu vực vẫn còn rất khó khăn, chất lương hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Cho ý kiến, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (tỉnh Bình Phước) cùng một số đại biểu khác đều đồng tình nhiều vấn đề như trong báo cáo đã nêu, và cho rằng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng; về cơ cấu đầu tư thì chưa cân đối chủ yếu vẫn xoay quanh vấn đề xây dựng điện, đường, trường, trạm. Đại biểu cũng chỉ ra vấn đề tồn tại nhiều năm nay mà chưa được khắc phục là việc giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia năm nào cũng chậm mà nguyên nhân chính là do cơ chế xin cho vẫn còn tồn tại, tâm lý “ban phát” còn nặng, thủ tục hành chính còn rườm rà, cứng nhắc... Về đầu tư cho công tác xóa đói giảm nghèo theo đại biểu còn nửa vời, hiệu quả thiếu tính bền vững và lãng phí; nông dân còn khó tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi.

Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (tỉnh Long An) cho rằng công tác giảm nghèo chưa bền vững, và tái nghèo còn ở mức cao. Đại biểu phân tích nguyên nhân công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch chưa sát thực tế, thiếu tính khoa học, chưa sát với nguồn lực hiện có dẫn tới việc đầu tư chưa đúng trọng tâm, trọng điểm dẫn đến đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Đại biểu đề nghị Chính phủ và địa phương cần lập quy hoạch cụ thể và giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch đó.

Ngoài ra, đại biểu Phương Khanh cũng đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung đúng mức về vốn, công nghệ kỹ thuật cao để phát triển các loại giống có năng suất chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu của từng vùng, đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật, sản xuất bởi đây là khâu trọng yếu quyết định chất lượng nông sản phẩm hàng hóa.

Đại biểu Nguyễn Thúy Anh (tỉnh Phú Thọ) đề cập đến vấn đề đầu tư công cho đào tạo nghề ở nông thôn. Hiện nay, vấn đề lao động việc làm ở khu vực nông thôn đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức như: thiếu việc làm, việc làm thiếu ổn định, năng suất lao động, chất lượng lao động thấp, ít việc làm có thu nhập cao, chưa giải quyết được việc làm tại chỗ cho người lao động khi đất lao động bị thu hồi; quá trình đô thị hóa làm tăng nguy cơ mất việc làm của người nông dân… Do đó, đại biểu đề nghị cần tăng cường chất lượng nguồn nhân lực nông thôn như tăng năng suất lao động; cần có chính sách lao động riêng, những ưu tiên dành cho lao động ở vùng đô thị hóa chuyển đổi mô hình sử dụng đất; tăng cường hiệu quả chương trình sử dụng vốn tín dụng ưu đãi để phát triển các ngành nghề truyền thống…

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam