Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab
tại Davos, Thuỵ Sỹ, tháng 1/2007 (Ảnh: Đức Tám)
Hội nghị WEF Đông Á 2012 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng khả quan hơn so với năm 2011. Khu vực Đông Á vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao (8% trong năm 2011 và dự kiến 7,4% trong năm 2012 theo dự báo của ADB). Tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế trong khu vực tiếp tục được thúc đẩy, đặc biệt là các nước ASEAN đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015, bao gồm triển khai kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN.
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á 2012 có chủ đề: “Định hướng tương lai khu vực thông qua kết nối”. Dự kiến, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận 3 nội dung chính: Vai trò các nền kinh tế tăng trưởng cao của ASEAN trong tái cân bằng triển vọng kinh tế toàn cầu và khu vực; Vai trò của các chính phủ và tổ chức trong đề xuất, triển khai các chính sách tài chính hiệu quả nhằm kiểm soát lạm phát, chu chuyển vốn, biến động giá cả hàng hóa và tăng trưởng cân bằng; Tận dụng lợi thế dân số và công nghệ trong khu vực để phát triển các mô hình tăng trưởng thông qua đổi mới, cải thiện cơ chế huy động nhân tài, tinh thần kinh doanh và xây dựng kỹ thuật.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín, hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết các lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Hàng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu (các xu thế vận động của kinh tế thế giới, mô thức tăng trưởng, các vấn đề quản trị nền kinh tế, quản trị doanh nghiệp, các vấn đề có tầm ảnh hưởng toàn cầu...) và cam kết tăng cường hợp tác vì sự thịnh vượng chung. Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào cuối tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh Hội nghị Davos, hàng năm, WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF về Đông Á, Hội nghị WEF về Ấn Độ, Hội nghị WEF về Mỹ La tinh, Hội nghị WEF về Trung Đông... Các diễn đàn khu vực này là nơi trao đổi và phân tích đánh giá các vấn đề phát triển của khu vực.
Việt Nam và WEF có quan hệ từ năm 1989. WEF thường mời Việt Nam tham dự các Hội nghị thường niên tại Davos và các Hội nghị WEF về Đông Á. Đặc biệt, WEF đánh giá cao những thành tựu kinh tế ngoạn mục của Việt Nam. Chủ tịch WEF đã mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị WEF Davos 2007 và 2010. Trong các chuyến đi tham dự hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng mở đường cho một giai đoạn phát triển mới giữa Việt Nam và WEF.
Việt Nam luôn tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động của WEF, trong đó nổi bật là việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á năm 2010 tại TP Hồ Chí Minh - một trong những kỳ Hội nghị WEF được đánh giá cao và thành công nhất với số lượng đại biểu đông nhất các kỳ hội nghị, với 450 đại biểu gồm các chính khách cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, học giả; hơn 200 cơ quan báo chí trong và ngoài nước tham dự và đưa tin. Với chủ đề “Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển kinh tế toàn cầu”, với 20 phiên họp chính thức, Hội nghị xoay quanh bốn trục nội dung chính: Vai trò đang lên của Châu Á; Những rủi ro toàn cầu; Lộ trình tăng trưởng xanh của Châu Á; Năng lực cạnh tranh. Hội nghị WEF Đông Á 2010 đã để lại dấu ấn mạnh mẽ đối với các nhà lãnh đạo cấp cao và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tham dự. WEF Đông Á 2010 đã góp phần quảng bá tốt cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi, các nhà đầu tư đang tìm kiếm các thị trường ổn định và có khả năng ứng phó tốt với các cuộc khủng hoảng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á năm 2012. Đây cũng là dịp để các nhà lãnh đạo nhiều bộ, công ty, doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực; thông qua chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài...; đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - WEF./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam