Là cửa ngõ giao lưu của tỉnh với tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên, huyện Ninh Sơn có vị trí quan trọng về giao thương và an ninh, quốc phòng. Với điều kiện tự nhiên thích hợp cho phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, được hưởng lợi đầu nguồn Nhà máy thủy điện Đa Nhim, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, Sông Pha, Nha Trinh, hồ Cho Mo, Sông Than,... những năm gần đây, Ninh Sơn thu hút rất nhiều nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), qua đó, tạo động lực thúc đẩy KT-XH phát triển mạnh.

Thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) ngày càng phát triển. Ảnh: P.N
Đồng chí Kiều Tấn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, cho biết: Huyện xác định chỉ có làm CNC mới là bước đột phá để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, ổn định tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân, hướng đến về đích huyện nông thôn mới trong năm 2025. Thời gian qua, huyện đã lồng ghép, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC; Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 729/QĐ-UBND của UBND tỉnh và Đề án nhân rộng HTX kiểu mẫu, trong đó, ưu tiên hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp điển hình, các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện... qua đó, thu hút khuyến khích nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ISO, ISO/IEC 17025, HACCP, nông sản hữu cơ...

Mô hình sản xuất dưa lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại Ninh Sơn. Ảnh: CTV
Đến nay, số đơn vị phát triển nông nghiệp CNC của huyện đã tăng 2,3 lần so với năm 2020; toàn huyện có hơn 100ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, cho giá trị sản xuất trên 1ha canh tác bình quân trên 500 triệu đồng, riêng dưa lưới và nho hơn 1 tỷ đồng/ha/năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn với thu nhập gần chục triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, huyện đang nghiên cứu hoàn thiện dự án “Định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045- huyện Ninh Sơn” trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt không chỉ làm cơ sở pháp lý triển khai phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trong thời gian tới, mà còn đưa kinh tế nông nghiệp phát triển đột phá, bền vững, có thương hiệu và hướng đến xuất khẩu; tăng giá trị sản xuất và sản lượng nông nghiệp đạt chất lượng cao.

Nông dân Ninh Sơn phát triển vườn cây ăn trái. Ảnh: V.M
Song song với việc hình thành các cánh đồng CNC, Ninh Sơn cũng đang tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp chủ lực như: Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước,... Trong đó, chú trọng phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư nhằm kêu gọi nhà đầu tư vào Cụm công nghiệp Quảng Sơn; hoàn chỉnh quy hoạch chung thị trấn Tân Sơn, chương trình phát triển đô thị Tân Sơn, trình phê duyệt đồ án đề nghị công nhận thị trấn Tân Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV; triển khai lập các quy hoạch chi tiết trong đô thị nhằm tạo động lực phát triển đô thị như: Khu bờ kè Nam Sông Ông, khu trung tâm hành chính huyện, khu trung tâm văn hóa thể thao huyện, công viên 3/4... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án để kích cầu phát triển KT-XH của huyện; tăng cường công tác khuyến công và triển khai phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; xây dựng thương hiệu các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp đặc thù của huyện. Chỉ tính riêng trong năm 2024, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt 4.121,2 tỷ đồng, tăng 18%; giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ đạt 1.123,1 tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ; tập trung phát triển các ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn có điều kiện tăng trưởng cao như thương mại, vận tải, tài chính - tín dụng, khai thác các loại hình dịch vụ mới như kêu gọi đầu tư xây dựng siêu thị Tân Sơn; đưa chợ Tân Sơn vào khai thác và hoạt động có hiệu quả; kêu gọi xã hội hóa đầu tư chợ Quảng Sơn; đẩy nhanh tiến độ phát triển du lịch trái cây Lâm Sơn; kêu gọi đầu tư du lịch cộng đồng tại xã Ma Nới...

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú. Ảnh: V.N
Với mục tiêu thu hút các nguồn lực, đầu tư xây dựng Ninh Sơn trở thành khu vực trọng điểm phát triển kinh tế phía Tây của tỉnh, trong đó, thị trấn Tân Sơn được xác định là đô thị loại IV trực thuộc tỉnh, là đô thị trung tâm của vùng phía Tây và phát triển là thị xã giai đoạn sau năm 2030; hiện Ninh Sơn xây dựng nhiều kế hoạch, đề án tập trung khai thác các lợi thế về kết nối liên vùng đã được hình thành rõ ràng của hai trục phát triển kinh tế: Trục Đông Tây liên kết Tp. Đà Lạt và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; trục Bắc - Nam liên kết Tà Năng, Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng với Tp. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, cũng như tuyến kết nối Tà Năng đi cao tốc Bắc - Nam và cảng biển nước sâu Cà Ná; tiến tới khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của huyện để thúc đẩy tăng trưởng KT-XH nhanh và bền vững; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp sản xuất, năng lượng, thương mại và dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng; bảo đảm quốc phòng và an ninh; giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, môi trường. Đồng thời, xây dựng lộ trình khai thác các tiềm năng về phát triển du lịch gắn với tuyến đường sắt răng cưa (được khôi phục chạy dọc Sông Cái) kết nối Tp. Đà Lạt và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, khuyến khích mô hình phát triển nhà ở kết hợp du lịch sinh thái, nhà vườn, cây ăn trái... gắn với mô hình phát triển đô thị sinh thái, tăng trưởng xanh.
Từ sự chủ động, sáng tạo, đột phá trong triển khai nghiên cứu, lập quy hoạch từ xa, từ sớm, Ninh Sơn sẽ tạo ra những cơ hội phát triển mới, tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư với các địa phương trong tỉnh, góp phần phát triển KT-XH của huyện nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, bền vững hơn.
Đồng chí Kiều Tấn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn nhấn mạnh: Đô thị Tân Sơn sẽ là đô thị trung tâm vùng phía Tây của tỉnh, phát triển bền vững theo mô hình đô thị theo hướng sinh thái, tăng trưởng xanh, phát huy vị thế đầu mối giao thông liên vùng, phát triển kinh tế đa ngành lấy công nghiệp gắn với chế biến sản phẩm nông nghiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch là các động lực tăng trưởng mới.
Thanh Xuân