Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), Quốc hội đã hoàn thành khối lượng nhiệm vụ lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với việc thông qua 18 luật, 21 nghị quyết với sự đồng thuận, thống nhất cao của các đại biểu quốc hội. Nội dung các luật, nghị quyết bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, với nhiều vấn đề quan trọng, giải quyết căn cơ những điểm nghẽn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ phát triển mới. Một số dự án luật có hiệu lực thi hành sớm, góp phần giúp nâng cao công tác quản lý của cơ quan nhà nước; cắt giảm tối đa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Hội nghị đã nghe các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương báo cáo tham luận xoay quanh một số nội dung trọng tâm của Luật Công đoàn sửa đổi, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật xử lý vi phạm hành chính. Nghị quyết thí điểm của Quốc hội trong việc tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua khơi thông nguồn lực về đất đai; tác động của chính sách thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại…
Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhấn mạnh: Hoàn thiện hệ thống pháp luật là một trong những đột phá chiến lược đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước; các luật, nghị quyết được thông qua đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan trong xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật. Để kịp thời đưa các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống, Thủ tướng đề nghị công tác chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn phổ biến, giáo dục pháp luật phải được quan tâm đẩy mạnh từ trung ương đến địa phương. Tiếp tục rà soát, xây dựng, ban hành các văn bản dưới luật tạo môi trường pháp luật thống nhất, đồng bộ và khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, giúp cơ quan, đơn vị nắm vững các quy định, tự tin, chủ động trong thực thi công vụ, củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp vào pháp luật; quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác tổ chức triển khai, thi hành luật, nghị quyết đảm bảo xuyên suốt. Trong quá trình thi hành luật, nghị quyết, cần chủ động nắm bắt, theo dõi các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, có phát sinh khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo, tổng hợp chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung phù hợp…
Hồng Lâm