Với phương châm hành động “Đoàn kết - Đổi mới - Quyết tâm”, hướng đến xây dựng ngành Nông nghiệp “Thích ứng - Đặc thù - Bền vững”, năm 2024 ngành Nông nghiệp đã thực hiện đạt và vượt chi tiêu, nhiệm vụ được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh giao. Cụ thể, giá trị sản xuất (GO) toàn ngành ước đạt 14.339,65 tỷ đồng (trong đó: thủy sản đóng vai trò chủ lực chiếm 57%, nông nghiệp chiếm 42% và lâm nghiệp chiếm 1%), tăng trưởng 4,81% đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Giá trị gia tăng (VA) ước đạt 7.344 tỷ đồng, tăng trưởng 4,79%; đóng góp 25,5% vào tăng trưởng GDP tỉnh và tiếp tục khẳng định là bệ đỡ nền kinh tế của tỉnh. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,75%; trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước đáp ứng quy chuẩn địa phương đạt 97,52%. Tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 48,15%. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 1 xã, lũy kế 33 xã; số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 4 xã, lũy kế 16 xã. Các chỉ tiêu về tỷ lệ các điểm nguy cơ xảy ra thiên tai có biển cảnh báo về đuối nước, sạt lở đất; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có trẻ em được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trong và sau thiên tai; tỷ lệ người dân được sơ tán trước khi thiên tai xảy ra tại khu vực dễ bị tổn thương như khu vực ven biển, vùng trũng, vùng bị ngập lụt, vùng hay bị lũ quét và sạt lở đất ước đạt 100%.
Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Nổi bật là kết quả phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), trong năm đã phát triển thêm 259,67 ha ứng dụng CNC, vượt kế hoạch 39,67 ha, nâng tổng số diện tích ứng dụng CNC phát triển mới trong giai đoạn 2021-2024 đạt 825,61 ha (trồng trọt 566,81 ha, chăn nuôi 115,8 ha, thủy sản 143 ha), đạt 82,56% so với mục tiêu đến 2025. Giá trị sản xuất nông nghiệp CNC năm 2024 ước đạt 990 triệu đồng/ha đất canh tác, vượt 41% so với mục tiêu đến năm 2025; thu hút 40 doanh nghiệp đầu tư; sản lượng tôm giống đạt 45,184 tỷ con, tăng 12,2% so 2023 và đạt 88,1% so với mục đến năm 2025. Hầu hết diện tích nông nghiệp ứng dụng CNC đã đưa vào sản xuất ổn định nên năng suất, sản lượng các sản phẩm tăng so cùng kỳ, giá trị sản xuất nông nghiệp CNC tăng 10,9% so 2023 và đóng góp 14% vào tổng giá trị sản xuất 2024 của toàn ngành.
Năm 2025, ngành Nông nghiệp phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 3-4% so với năm 2024; giá trị sản xuất trên diện tích đất chủ động nước đạt 155 triệu đồng/ha; đảm bảo ổn định chất lượng và tỷ lệ diện tích đất sản xuất được chủ động tưới đạt 62,4%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 49%; có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 4-5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; duy trì chất lượng cấp nước và nâng tỷ lệ hộ dùng nước sạch sinh hoạt lên 99,78%.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp trong năm 2024; đồng thời, nêu ra một số tồn tại mà ngành cần tập trung khắc phục trong năm 2025 như: Quy mô sản xuất nông nghiệp, nhất sản xuất hàng hóa còn nhỏ, manh mún, chưa tập trung, chưa đi vào chiều sâu, chưa đi vào chất lượng, đặc biệt là chất lượng sau thu hoạch, chế biến; một số sản phẩm chính của ngành Nông nghiệp chưa được mở rộng sản xuất, cũng như thị trường tiêu thụ, đặc biệt là mục tiêu xuất khẩu sản phẩm từ cây nho vẫn chưa thực hiện được; xây dựng nông thôn mới có dấu hiệu chững lại, các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới chưa đạt. Nhấn mạnh năm 2025 là năm toàn tỉnh phải nỗ lực hơn bao giờ hết, có ý nghĩa quan trọng, tạo bứt phá để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; đồng chí yêu cầu ngành Nông nghiệp cần tập trung vào các nhiệm vụ đột phá, cụ thể: Tập trung tham mưu UBND tỉnh ban hành các Đề án phát triển các vùng sản xuất tập trung tại các vùng tưới của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ; phát triển sản phẩm OCOP trở thành đại sứ du lịch Ninh Thuận; phát triển sản phẩm dê, cừu thành sản phẩm Halal; khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên, nhiệm vụ chủ yếu theo kế hoạch đã đề ra.
Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao.
Trước mắt, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trong thời gian cao điểm tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 như: Chỉ đạo sản xuất và kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm nông sản, đặc biệt chú trọng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, cá, rau quả, cung cấp đủ nhu cầu tiêu dùng, tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá; đảm bảo chất lượng nước sạch cho người dân khu vực nông thôn trước, trong và sau tết Nguyên đán; thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả các hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, buôn bán, kiểm dịch, vệ sinh thú y; hỗ trợ kịp thời hạt giống cây trồng, vật nuôi, vắc xin, hóa chất sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật,… theo quy định khi bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh để nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định đời sống cho Nhân dân vui Xuân đón Tết. Đồng thời, chủ động công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, hồ chứa, đê sông, đê biển; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, lượng nước tại các hồ chứa, chỉ đạo điều tiết nước hợp lý để phục vụ sản xuất hiệu quả vụ đông - xuân 2024-2025 và nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.
Dịp này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao của UBND tỉnh đối với 12 sản phẩm của 7 chủ thể.
Xuân Nguyên