* Hỏi: Hãy nêu những hậu quả, tác hại của tham những trên phương diện văn hóa, xã hội?
Trả lời:
Tham nhũng xâm phạm, thậm chí làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội, tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.
Trước những lợi ích bất chính đã hoặc sẽ có được khi thực hiện hành vi tham nhũng, nhiều cán bộ, công chức đã không giữ được phẩm chất đạo đức của người cán bộ cách mạng, không phục vụ nhân dân mà hướng tới các lợi ích bất chính, bất chấp việc vi phạm pháp luật, làm trái công vụ, trái lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, tham nhũng không chỉ phát sinh ở trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai... mà còn có xu hướng lan sang các lĩnh vực từ trước tới nay ít có khả năng xảy ra tham nhũng như: Văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao,... Thậm chí, cả những lĩnh vực lẽ ra không thể có tham nhũng, cả dưới góc độ đạo đức và pháp luật như lĩnh vực phúc lợi xã hội hay bảo vệ pháp luật. Hành vi tham nhũng xảy ra không ít trong các chương trình trợ cấp cho thương binh, liệt sĩ, các gia đình chính sách; tham nhũng tiền, hàng hóa cứu trợ xã hội, trong cả xét duyệt công nhận di tích lịch sử, văn hóa, thi đua khen thưởng. Thậm chí tham nhũng còn xảy ra trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Điều đáng báo động là việc tham nhũng dường như đã trở thành bình thường trong quan niệm của một số cán bộ, công chức. Đó chính là biểu hiện của sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức một cách nghiêm trọng. Hơn thế, tham nhũng còn xâm phạm những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, khi người thực hiện hành vi tham nhũng có khi là những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội - những người xây dựng đời sống, nền tảng tinh thần của xã hội.