Hiệu quả công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Những năm qua, từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Ninh Thuận đã lồng ghép với các chính sách khác triển khai hiệu quả nhiều công trình, dự án giúp người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm nghèo bền vững.

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, huyện Bác Ái được phân bổ nguồn vốn hơn 242 tỷ đồng/34 dự án để thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. Từ nguồn vốn được phân bổ, thời gian qua địa phương đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ chuyển đổi nghề; đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn các xã; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân... Là một trong nhiều hộ nghèo ở huyện Bác Ái được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở từ Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, gia đình bà Chamaléa Thị Lệ ở thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại xúc động chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng nhà, xã Phước Đại hỗ trợ 10 triệu đồng, gia đình góp thêm 20 triệu đồng xây ngôi nhà mới kiên cố. Được ở trong ngôi nhà mới gia đình mừng lắm, đây là nguồn động viên lớn để gia đình tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Tại xã Phước Trung, từ năm 2022-2024, xã được phân bổ trên 6 tỷ đồng triển khai thực hiện các dự án: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; chăn nuôi bò, dê sinh sản; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống... Nhờ đó, KT-XH của địa phương đã có những chuyển biến rõ nét. Điển hình, trước đây nhiều vùng đất ở thôn Đồng Dày, Tham Dú bỏ hoang nhiều vụ liền do thiếu nước sản xuất, thì nay đã có trên 50ha các loại cây trồng như: Lúa, bắp, mía, táo... chủ động nước tưới nhờ kênh Cây Sung được đầu tư xây dựng và nguồn nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được đấu nối dẫn nước về tưới cho những cánh đồng, nhờ đó giúp hàng trăm hộ dân có điều kiện để phát triển kinh tế. Ông Katơr Năng ở thôn Đồng Dày, cho biết: Đây là vụ thứ năm gia đình tôi sản xuất lúa và mía nhờ nguồn nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ với diện tích trên 1,7ha. Vụ trước sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi trên 45 triệu đồng. Bây giờ việc trồng trọt và chăn nuôi của bà con đã thuận lợi hơn rất nhiều, nhờ đó đã giúp người dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế.

Hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế. Trong ảnh: Hồ Sông Cái (Bác Ái).

Không riêng gì Bác Ái, đến các huyện: Thuận Bắc, Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Sơn... đời sống của đồng bào DTTS&MN cũng có bước phát triển mới. Thông qua thực hiện các chương trình MTQG gồm: Xây dựng nông thôn mới; phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN; xóa đói giảm nghèo bền vững; Chương trình 135; Chương trình 30a của Chính phủ và nhiều chương trình khác, các địa phương tập trung hỗ trợ, xây dựng các dự án, đề án phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo với các mô hình nổi bật như: Mô hình trồng bắp lai, mì cao sản, các loại cây ăn quả, thực hiện có hiệu quả 19 cánh đồng lúa lớn, măng tây xanh, bắp lai... với diện tích gần 2.500ha ở các xã vùng DTTS&MN; hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo các đối tượng chính sách, qua đó giúp giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho nhân dân theo quy định; chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi được triển khai kịp thời, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận, nhất là những hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm phát triển kinh tế...

Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 25/1/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau thời gian triển khai thực hiện, đến nay KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN có nhiều chuyển biến đáng kể. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư đồng bộ, thông suốt. Toàn tỉnh có trên 99% hộ dân vùng DTTS được sử dụng lưới điện quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; trên 99% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông; 75% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; có 14/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50% so với số xã vùng đồng bào DTTS. Chất lượng giáo dục vùng DTTS được cải thiện, hệ thống trường học các cấp phủ khắp các thôn, xã; đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa; có 28/28 xã vùng DTTS đạt chuẩn phổ cập mầm non và được công nhận đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Hệ thống y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu khám bệnh cho người dân, 100% thôn, xã có trạm y tế, bác sĩ, nhân viên y tế, trên 96% trạm y tế được xây dựng kiên cố. Tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,75%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 16,6%; nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hình thành và phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện. Tính đến tháng 6/2024, thu nhập bình quân của người đồng bào DTTS đạt 32,4 triệu đồng/người, tăng 3,19 triệu đồng so với năm 2020, đạt 55,5% so với mục tiêu đến 2025; tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS (theo chuẩn mới) là 13,04%, giảm 9,42% so năm 2021, riêng huyện Bác Ái tỷ lệ hộ nghèo còn 28,45%, giảm 11,64% so với năm 2021.

Qua đó cho thấy các chính sách cụ thể từ các nguồn vốn chương trình MTQG đã phát huy hiệu quả, góp phần đưa KT-XH, diện mạo vùng đồng bào DTTS&MN trong tỉnh ngày càng phát triển.