Hàng Việt về nông thôn: Vẫn còn nhiều khó khăn

Thời gian qua, chương trình hàng Việt về nông thôn đã đem lại hiệu quả tích cực, hầu hết người dân trên cả nước ngày càng ưa chuộng hàng Việt hơn bởi được tiếp cận những mặt hàng có mẫu mã phong phú, chất lượng tốt, giá cả hợp lý, Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít rào cản trong việc triển khai chương trình này.

Những kết quả đáng ghi nhận

Thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", từ đầu năm đến nay đã có khoảng 1.000 doanh nghiệp (DN) tham gia 50 đợt bán hàng về nông thôn, 5.000 DN tham gia bán hàng tại 50 hội chợ triển lãm... Với con số này có thể thấy, các DN Việt Nam đã và đang ngày càng chú trọng hơn đến thị trường trong nước, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Thời gian qua, người tiêu dùng đến tham quan, mua hàng tại các phiên chợ hàng Việt cũng tăng đáng kể. Doanh thu của các DN cũng đạt những con số kỷ lục. Có thể nói, hàng Việt Nam đã và đang dần có chỗ đứng trong lòng người Việt.

Đơn cử như tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho biết, từ đầu năm đến nay đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, trong đó tổ chức được 53 điểm bán hàng giảm giá với sự tham gia của 23 DN. Ngoài ra, Hà Nội còn triển khai "Tuần bán hàng vì người tiêu dùng" và tổ chức 398 điểm bán hàng bình ổn giá cùng nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn…. Các phiên chợ đã thu hút hàng nghìn người tham gia, từng bước khẳng định hàng Việt đang là sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Mới đây, theo tổng kết các phiên chợ hàng Việt về nông thôn của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), cho đến nay đã có 66 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tại 23 tỉnh thành trên cả nước (4 tỉnh miền Bắc, 4 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, 15 tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ) với tổng doanh thu qua các hội chợ đạt được là 57.244 tỉ đồng. Hầu hết các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân địa phương, đã thu hút được 1.005.350 lượt người đến tham quan và mua sắm ….

Điều đáng nói là thông qua các phiên chợ hàng Việt chợ, công tác đào tạo về kỹ năng bán hàng, tuyên truyền để người dân hiểu hơn về chất lượng hàng hoá sản xuất trong nước cũng đã được đẩy mạnh. Theo thống kê của BSA, từ đầu năm đến nay đã có 57 lớp huấn luyện kỹ năng bán hàng cho hơn 4.416 tiểu thương tại địa phương được tổ chức; 162.500 tập cẩm nang người bán lẻ đã được cung cấp. Ngoài ra, hàng nghìn tờ rơi, phướn, băngrôn, cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng đã được tuyên truyền đến tay người dân địa phương….

Có thể nói, với việc đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang góp phần làm thay đổi đáng kể trong tâm lý mua sắm của người tiêu dùng nội, từ hơn 70% số người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng ngoại, đến nay gần 60% số người tiêu dùng đã chuyển sang ưu tiên hàng Việt Nam. Đặc biệt các DN cũng ngày càng chú trọng hơn đến thị trường nội địa, giành lại được thế chủ động trên “sân nhà”, không để hàng ngoại lấn lướt như trước kia.

Tăng cường các giải pháp để tháo gỡ khó khăn

Mặc dù đạt được những kết quả đáng mừng, song có thể nói hành trình “đưa hàng Việt về nông thôn” vẫn còn nhiều khó khăn, bởi lẽ hiện nay vẫn thiếu cơ chế hỗ trợ cho DN đưa hàng về khu vực nông thôn vì thế nhiều DN không lắm mặn mà. Hơn thế nữa, kinh phí và điều kiện phục vụ việc triển khai chương trình còn hạn hẹp... , kế hoạch triển khai chưa đồng bộ nên khó thu hút DN tham gia.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chương trình hành động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/8 vừa qua, ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc cho biết: Mặc dù ngành công thương là đơn vị chủ lực trong hoạt động này, nhưng thời gian qua, đơn vị hầu như không được Ban chỉ đạo TƯ và tỉnh quan tâm nhiều. Việc thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp không mặn mà với việc đưa hàng Việt về nông thôn tiêu thụ.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Bẩy, Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang, Hà Giang có gần 200 xã, phường không có chợ, nhu cầu tiêu thụ hàng Việt là có. Thế nhưng, khi ngành công thương chỉ đạo DN tham gia cuộc vận động thì hầu hết đều từ chối, những DN đồng ý tham gia yêu cầu tỉnh phải có cơ chế hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, kinh phí vận chuyển, bốc dỡ… mới tham gia chương trình.

Thực tế, do việc chỉ đạo chưa sát sao nên vẫn còn một số tỉnh, thành chưa thành lập được Ban chỉ đạo Cuộc vận động dẫn đến hiệu quả chưa được như mong muốn. Để tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đòi hỏi phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực hơn nữa, trong đó phải tạo điều kiện để thu hút DN tham gia, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Ông Đào Minh Hải, Giám đốc Sở Công thương Thái Bình đề xuất, Ban chỉ đạo Cuộc vận động nên có kế hoạch, hướng dẫn cụ thể sát với thực tế trong lộ trình đưa hàng Việt về tiêu thụ tại nông thôn; đề xuất với Nhà nước có cơ chế hỗ trợ DN về kinh phí. Ngoài ra, UBND các tỉnh bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng hệ thống chợ,cần tạo điều kiện cho DN có mặt bằng quảng bá, tiêu thụ hàng Việt Nam.

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã yêu cầu các DN trong ngành Công Thương tăng cường nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối để đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Bên cạnh đó, các DN cần phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để phân phối hàng Việt đến từng địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ cho phép Bộ Công Thương xây dựng, triển khai "Đề án Quốc gia về phát triển thương mại nội địa" thông qua liên kết với một số ngành dịch vụ như du lịch, tài chính, vận tải… Từ đó củng cố xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt Nam đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, giảm nhập siêu. Đồng thời tiếp tục tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Cuộc vận động tại một số địa phương và DN nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phổ biến các sáng kiến, chương trình có hiệu quả cho các địa phương và D N…

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam



  

 
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Ninh Thuận – Chào năm mới năm 2025”