AfDB và LHQ phối hợp tài trợ dự án thúc đẩy hội nhập cho người tị nạn ở Nam Sudan

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) ngày 28/9 thông báo đã phê duyệt khoản tài trợ 19,8 triệu USD để giúp Nam Sudan ứng phó cuộc khủng hoảng người tị nạn Sudan tại quốc gia này.

AfDB cho biết dự án "Ứng phó khủng hoảng người tị nạn Sudan" được xây dựng nhằm thúc đẩy hòa bình, tăng cường hòa nhập và nâng cao khả năng phục hồi trong các cộng đồng Nam Sudan, đặc biệt ở những khu vực chịu ảnh hưởng của dòng người tị nạn. Trong một tuyên bố trước đó, AfDB cũng đã nêu rõ dự án này "hướng tới việc hỗ trợ hòa nhập toàn diện của người tị nạn và người hồi hương vào các cộng đồng Nam Sudan, qua đó củng cố đoàn kết xã hội giữa người tị nạn và cộng đồng bản địa, đồng thời cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của các cộng đồng này".

Dự án trên sẽ do Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tiến hành cùng với khoản tiền bổ sung 2,43 triệu USD để nâng tổng kinh phí dự án lên 22,23 triệu USD. Dự kiến, dự án sẽ được triển khai từ tháng 11/2024 - 10/2026, tập trung vào các cộng đồng tiếp nhận người tị nạn cũng như những người Nam Sudan hồi hương từ Sudan để tránh xung đột.

Giám đốc Văn phòng AfDB tại Nam Sudan, Themba Bhebhe, cho biết: "Bằng cách không chỉ triển khai các hỗ trợ nhân đạo mà còn tập trung vào phát triển cộng đồng người tị nạn và các cộng đồng tiếp nhận người tị nạn, dự án sẽ giúp ngăn chặn sự gia tăng nghèo đói của cả người tị nạn, người hồi hương và cộng đồng bản địa".

AfDB ước tính dự án sẽ tác động trực tiếp đến 26.180 hộ gia đình và gián tiếp mang lại lợi ích cho khoảng 160.375 người thông qua các hình thức hỗ trợ khác nhau.

Xung đột tại Sudan giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) từ tháng 4/2023 đã buộc hơn 800.000 người phải chạy sang nước láng giềng Nam Sudan. Điều này đang gây áp lực lớn cho nhiều địa phương và cộng đồng ở Nam Sudan, đồng thời làm gia tăng các nguy cơ về an ninh, kinh tế và nhân đạo. Nam Sudan hy vọng dự án kết hợp của AfDB và UNHCR sẽ giúp nước này giảm bớt gánh nặng về kinh tế, mang lại ổn định xã hội và tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho cả người tị nạn lẫn cộng đồng địa phương trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.