Kiểm tra các công trình đập, hồ chứa nước trước, trong và sau mùa mưa lũ năm 2024

Nhằm thực hiện nghiêm quy định pháp luật về an toàn đập, hồ chứa nước; chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi (CTTL) trong mùa mưa lũ sắp tới, ngày 18/9/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4286/KH-UBND về việc kiểm tra các công trình đập, hồ chứa nước trước, trong và sau mùa mưa lũ năm 2024 nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch, UBND tỉnh triển khai 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp cần thực hiện. Cụ thể, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác bảo đảm an toàn CTTL trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Phân công trách nhiệm cụ thể cho cơ quan, đơn vị quản lý công trình, bổ sung các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành. Khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị, công trình; bổ sung phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc, nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn CTTL; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng, đảm bảo ứng phó ngay khi có sự cố xảy ra, bảo đảm thực hiện việc xử lý sự cố công trình theo phương châm “bốn tại chỗ”.

 Trong mùa mưa lũ sắp tới các cơ quan chức năng cần bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.

Tổ chức rà soát, điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai cho công trình, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du, nhất là các kịch bản ứng phó thiên tai trong điều kiện xảy ra mưa lớn, cực đoan.

Kiểm tra việc vận hành các CTTL trên địa bàn; rà soát và có giải pháp xử lý ách tắc dòng chảy, không đủ khả năng thoát lũ khi vận hành xả lũ của hồ chứa thủy lợi; đánh giá các nội dung không còn phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành nhằm bảo đảm vận hành an toàn công trình và vùng hạ du, nhất là các hồ chứa có tác động lớn đến dòng chảy, dân sinh vùng hạ du.

Chỉ đạo nghiêm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn công trình, kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn CTTL. Chủ động bố trí kinh phí để thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước (quy trình vận hành, phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp, kiểm định an toàn đập, hệ thống cơ sở dữ liệu, công tác bảo trì...).

Đôn đốc kiểm tra các công trình đang thi công, đảm bảo hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn; tuyệt đối không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa lũ. Chỉ đạo các chủ đầu tư rà soát, xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du theo quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn các công trình đang thi công trên địa bàn.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, đảm bảo an toàn công trình, vận động nhân dân tham gia bảo vệ công trình; nâng cao nhận thức, năng lực tự ứng phó của người dân ở vùng hạ du đập.

Tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm trong phạm vi bảo vệ CTTL; kiên quyết xử lý đối với các trường hợp xâm phạm gây mất an toàn CTTL theo quy định của pháp luật.

Để thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ giải pháp trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương xác định rõ trách nhiệm, cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ, tổ chức triển khai thực hiện công tác an toàn hồ chứa nước bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh.