Phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng

Thời gian qua, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Thị trường TMĐT đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại.

Nhiều tiện ích mới

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có khoảng 50% số xã và đơn vị hành chính có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 50% doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, bao gồm mạng xã hội có chức năng giao dịch TMĐT; 80% DN ứng dụng TMĐT trên thiết bị di động. Trên cơ sở cơ chế chính sách của trung ương, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển TMĐT trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh đã ban hành các văn bản, kế hoạch để cụ thể hóa và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ninh Thuận tập trung cho công tác tuyên truyền nhằm nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT. Đẩy mạnh các giải pháp xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong TMĐT. Thông qua các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong DN, hợp tác xã và cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn về mức độ phát triển TMĐT. Các hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.

Khách hàng thanh toán tiền qua quét mã QR
tại một điểm kinh doanh trên địa bàn T.p Phan Rang - Tháp Chàm.

Để hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT và thúc đẩy phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở Công Thương đã triển khai thực hiện các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển TMĐT trong tỉnh. Đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ 39 DN tham gia các sàn giao dịch TMĐT quốc tế như: Alibaba.com, Sendo, Postmart; xây dựng 14 bộ thương hiệu trực tuyến và 18 website; 18 phần mềm bán lẻ và hỗ trợ 40 DN ứng dụng chữ ký số; hỗ trợ 222 đơn vị ứng dụng, sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch thương mại. Đồng thời, hình thành sàn TMĐT của tỉnh (sanphamninhthuan.vn), có 96 cơ sở, DN tham gia với 368 sản phẩm trên sàn TMĐT của tỉnh. Đây là những bước đầu tiên giúp DN tiếp cận, ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, đưa hàng hóa địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng.

Sự xuất hiện của phương thức bán hàng qua mạng thông qua các website, các sàn giao dịch điện tử và các trang mạng xã hội đã mang lại cho người tiêu dùng nhiều tiện ích mới, doanh số bán hàng theo hình thức TMĐT ngày càng tăng cao. Đây là cơ hội cho DN chuyển đổi hình thức bán lẻ truyền thống sang TMĐT, qua đó nâng cao thị phần TMĐT trong cơ cấu doanh thu bán lẻ và cũng là cơ hội cho TMĐT phát triển, hỗ trợ DN chuyển đổi phương thức kinh doanh. Bên cạnh đó, thói quen mua hàng của người tiêu dùng cũng đã có những thay đổi tích cực, từ việc chỉ quen với giao dịch kinh doanh truyền thống, mặt đối mặt, được cầm, ngắm và có thể được thử sản phẩm, nay người tiêu dùng đã dần tiếp cận và yêu thích hình thức mua sắm trực tuyến.

Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nông sản Thái Thuận - Ninh Thuận, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn), cho biết: Trước đây chúng tôi kinh doanh theo kiểu truyền thống, nhưng không còn mang lại hiệu quả cao trong thời đại công nghệ số như hiện nay. Ngày nay, người tiêu dùng thông minh có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm sản phẩm, cũng như nhu cầu được trải nghiệm trong mua sắm, thay vì chỉ tập trung vào giá cả, ưu đãi. Ngoài việc giới thiệu sản phẩm trên sàn TMĐT của tỉnh, chúng tôi đẩy mạnh việc kinh doanh trên các trang mạng xã hội và website của công ty, nhờ vậy mà chúng tôi mở rộng thêm khách hàng, tiết kiệm thời gian trao đổi, tư vấn cho khách, hiệu quả kinh doanh cao hơn.

Chị Nguyễn Thanh Thủy, phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết: Tôi làm nhân viên văn phòng nên thời gian khá eo hẹp, để tiết kiệm thời gian và chi phí tôi thường mua sắm online trên các sàn TMĐT hoặc trên facebook, có nhiều sản phẩm được khuyến mãi, giảm giá và được giao hàng tận nhà, tôi thấy rất tiện lợi.

Lựa chọn giải pháp phù hợp

Hiện các DN đang dần thay đổi nhận thức và hiểu được tầm quan trọng của TMĐT, họ có xu hướng phát triển các kênh bán hàng, tiếp thị trực tuyến nhiều hơn để tối ưu hóa chi phí vận hành, giảm bớt những áp lực về mặt bằng kinh doanh, nhân sự, hình thức thanh toán đa dạng, quan tâm đến các vấn đề nhận diện thương hiệu... Tuy nhiên, đa số DN vẫn gặp hạn chế trong việc xác định đâu là giải pháp công nghệ cần thiết, cùng với đó là áp lực về chi phí đầu tư, thiếu nhân sự có chuyên môn về TMĐT. Do đó, việc ứng dụng TMĐT của mỗi DN cần được triển khai theo lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế.

Ông Võ Văn Khanh, Trưởng đại diện Hiệp hội TMĐT miền Trung - Tây Nguyên, chia sẻ: Với tư duy khách hàng, người tiêu dùng ở đâu thì mình có giải pháp tiếp cận ở đó, hiện nay kinh doanh online đang thu hút đông đảo người tiêu dùng thì giải pháp TMĐT đang là một kênh quan trọng đối với DN giúp tối ưu nguồn lực của DN, do đó TMĐT hiện không còn là xu thế nữa, mà là hệ thống tất yếu. Tuy nhiên đối với các DN, không phải nói lên sàn TMĐT là sẽ thành công, bởi phải có sự phân tích đánh giá, giống như truyền thống thì TMĐT cũng cần có những tập trung nhất định đòi hỏi DN phải phân tích, tìm kiếm các giải pháp cũng như nhóm người tiêu dùng phù hợp để có sự tiếp cận hiệu quả và đưa ra các định hướng, kế hoạch phát triển tối ưu cho sản phẩm trên sàn TMĐT trong tương lai.

Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương, cho biết: Thời gian qua, hoạt động TMĐT đã và đang ngày càng được phổ biến rộng rãi trên địa bàn tỉnh, phần lớn người tiêu dùng mua sắm trực tuyến thông qua các sàn, các website, các trang mạng xã hội và các ứng dụng TMĐT khác. Tuy nhiên, việc triển khai và ứng dụng TMĐT của DN cũng như của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như nguồn nhân lực trong các DN hiện vẫn còn hạn chế, một số DN xây dựng website TMĐT phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng chỉ dừng ở mức quảng bá giới thiệu DN, sản phẩm. Nhiều DN chưa thực hiện được phương thức thanh toán trực tuyến vẫn áp dụng phương thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt... Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng, phát triển các hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT. Đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền về chuyển đổi số, kinh tế số, TMĐT, bán hàng online. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ TMĐT. Bên cạnh đó, cùng với nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, các DN cũng cần chủ động tiếp cận với các hình thức kinh doanh mới trên không gian mạng, chủ động liên kết hợp tác với đơn vị cung cấp các giải pháp TMĐT. Xây dựng và hoàn thiện mô hình liên kết, kết nối giữa các cơ sở sản xuất với người mua hàng thông qua các sàn TMĐT.