Khám phá dấu chân cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Châu, Trung Quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, tại số nhà 248 và 250 ở đường Văn Minh, quận Việt Tú, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) có hai ngôi nhà kết cấu gạch và gỗ ba tầng. Đây là di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng tại Quảng Châu.

Di tích này cũng chính là nơi quan trọng chứng kiến tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời trở thành địa điểm được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm lựa chọn bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc.

Thời gian quay trở lại 100 năm trước. Từ tháng 11/1924 đến tháng 5/1927, với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính tại nơi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc đã thành lập tờ “Thanh niên”, tờ báo đầu tiên của Việt Nam để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị cho thanh niên Việt Nam và góp phần quan trọng vào việc ra đời và bồi dưỡng cán bộ cách mạng cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhiều đoàn cán bộ và lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng từng đến tham quan di tích này.

Vào đầu thế kỷ XX, tình hình cách mạng dâng cao ở Quảng Châu đã thu hút nhiều người Việt Nam yêu nước đến Quảng Châu hoạt động, Quảng Châu trở thành căn cứ ở nước ngoài quan trọng của các nhà cách mạng Việt Nam. Tháng 11/1924, với tư cách là Ủy viên Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc từ Moskva đến Quảng Châu với bút danh Lý Thụy và làm phiên dịch cho cố vấn Liên Xô Borodin.

Di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại số nhà 248 và 250 ở đường Văn Minh, quận Việt Tú, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Hai tòa nhà dân cư bằng gạch và gỗ ba tầng này trên đường Văn Minh ở Quảng Châu đã trở thành trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc đứng đầu và là địa điểm tổ chức giai đoạn một và giai đoạn hai của Lớp huấn luyện chính trị cho Thanh niên Việt Nam. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ban ngày chủ yếu làm việc tại dinh thự của ông Borodin nhưng thường xuyên đến đường Văn Minh dạy học viên lớp huấn luyện chính trị thanh niên Việt Nam, có khi nghỉ đêm tại đây. Các nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc là Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Trần Diên Niên... cũng được mời đến đây giảng bài.

Năm 2008, trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được công bố là đơn vị bảo vệ di tích văn hóa ở tỉnh Quảng Đông và mở cửa cho các khách quý của Việt Nam đến thăm theo lịch hẹn. Từ năm 2022 đến năm 2023, các ban, ngành văn hóa đã tu sửa di tích này và quy hoạch trưng bày những hiện vật về “Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Châu” trên khu di tích cũ. Ngày 26/3/2024, di tích của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã chính thức mở cửa đón công chúng và đến nay đã đón gần 20.000 lượt khách tham quan.

Nơi đây lưu giữ nhiều bức ảnh và tư liệu quý về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà hoạt động cách mạng tiền bối.

Khu trưng bày “Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Châu” rộng 240 m2, trưng bày 154 hiện vật, tái hiện chân thực những khung cảnh như phòng ngủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phòng họp của trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phòng học của Lớp huấn luyện chính trị Thanh niên Việt Nam, phòng in báo “Thanh niên”, ký túc xá cho học viên...

Theo giới thiệu, di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chủ yếu phục hồi khung cảnh 99 năm trước dựa trên hồi ức của hậu duệ những người Việt Nam yêu nước và ký ức của Hoàng Nam, người đã đích thân trải qua thời kỳ lịch sử thời đó. Hoàng Nam còn được gọi là Lý Trí Thông, là một trong 8 thiếu niên Việt Nam được Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đưa đến Quảng Châu, là con trai của chí sĩ kháng Pháp Nguyễn Ông Tuấn. Khi đó, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh liên hệ với Quận ủy Quảng Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hoàng Nam được học miễn phí tại Trường Tiểu học trực thuộc Đại học Quảng Đông và thường xuyên về thăm khu di tích cũ.

Nơi đây lưu giữ nhiều bức ảnh và tư liệu quý về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà hoạt động cách mạng tiền bối.

Sau khi tham quan di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm viết lưu bút vào sổ tưởng niệm: “Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước Việt Nam vô cùng xúc động đến thăm di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã có những năm tháng hoạt động cách mạng, nơi đã đào tạo nên những thế hệ người cộng sản kiên trung đầu tiên của Việt Nam, nơi đã chứng kiến tình cảm quốc tế cộng sản vô tư, trong sáng và tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết, gắn bó, “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững!”.

Di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là minh chứng cho truyền thống hữu nghị lâu đời giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Tháng 11/1971, Thủ tướng Chu Ân Lai và Thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ là Phạm Văn Đồng đã đến thăm khu di tích này. Sau đó, các nhà lãnh đạo khác của Việt Nam như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương và Nguyễn Phú Trọng cũng lần lượt đến thăm di tích lịch sử cách mạng này.

Theo baotintuc.vn