Theo dự thảo nghị quyết, đối tượng áp dụng người sử dụng đất là đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chưa có đất ở; hộ đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chưa có đất sản xuất, có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất thì được xem xét hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất. Định mức hỗ trợ giao đất để làm nhà ở cho mỗi hộ gia đình chưa có đất ở từ 60m2/hộ đến 200m2/hộ. Định mức hỗ trợ giao đất sản xuất cho mỗi hộ gia đình chưa có đất sản xuất, đối với đất trồng lúa là 0,2ha/ hộ; đất trồng cây hàng năm khác là 0,25ha/ hộ; đất trồng cây lâu năm 0,5ha/ hộ; đất nuôi trồng thủy sản 0,5ha/ hộ; đất rừng sản xuất 1,0 ha/hộ…
Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất với việc ban hành nghị quyết; đồng thời tham gia phản biện một số nội dung như: Việc ban hành nghị quyết cần xem xét kỹ lưỡng để tránh trùng lặp, chồng chéo giữa các chính sách; tiêu đề nghị quyết nên ngắn gọn, dễ đọc dễ hiểu; nêu cụ thể đối tượng áp dụng để tránh gây hiểu sai người được thụ hưởng; đưa số liệu thống kê khả năng quỹ đất từng vùng để làm cơ sở đề xuất đất ở và đất sản xuất cho thuyết phục; sửa đổi điều kiện quy định hỗ trợ giao đất 10 năm để đảm bảo sự phát triển liên tục; tính khả thi về quỹ đất khi chính sách được ban hành…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao các ý kiến tham gia phản biện sâu sắc, sát thực tiễn của các đại biểu; đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan soạn thảo) tiếp thu có chọn lọc các ý kiến của hội đồng phản biện để bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện dự thảo. Đồng thời, đồng chí cho rằng, chính sách hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS là chính sách quan trọng đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, mong mỏi của người dân vùng đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn tỉnh, do vậy, việc ban hành nghị quyết là cần thiết kể cả trước mắt và lâu dài và phải sớm được triển khai.
Kim Thùy