Theo Cục Thuế tỉnh, tính đến ngày 31/7/2024, tổng số tiền thuế nợ toàn ngành là 1.332,6 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 1.232,1 tỷ đồng, nợ khó thu là 99 tỷ đồng và nợ đang xử lý là 1,5 tỷ đồng; tập trung chính vào hai nhóm là nợ tiền thuê đất và nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; nguyên nhân là do khó khăn về tài chính, chưa tìm ra thị trường tiêu thụ. Hiện, Cục Thuế tỉnh đã phân công cụ thể từng đơn vị, từng công chức trực tiếp quản lý người nộp thuế (NNT) chịu trách nhiệm thường xuyên rà soát danh sách NNT có số tiền nợ thuế lớn trên địa bàn, xác định biện pháp thu hồi cụ thể đối với từng NNT; tổ chức đối thoại, làm việc trực tiếp với NNT nợ thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đưa ra các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao nhất.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo tổng hợp danh sách NNT có số tiền thuế nợ lớn trên địa bàn tỉnh để trình Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, thông báo lịch làm việc và phát hành giấy mời đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp để làm việc. Trước mắt, giao Cục thuế có lịch mời làm việc cụ thể với từng doanh nghiệp để xác nhận số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp của đơn vị đến thời điểm làm việc; doanh nghiệp cam kết thời hạn thanh toán tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp của đơn vị. Các sở, ngành, địa phương phối hợp chủ động giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, tạo điều kiện doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ thuế. Đối với các dự án trên địa bàn không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dây dưa kéo dài đã bị cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế nhưng không chấp hành, thì căn cứ văn bản đề nghị của cơ quan thuế để xem xét, báo cáo UBND tỉnh thu hồi đất, đình chỉ khai thác, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật, hạn chế nợ mới phát sinh.
Xuân Nguyên