Năm học 2024-2025, huyện Ninh Phước có 50 trường học, với tổng số học sinh (HS) dự kiến ở cấp bậc học là 25.116 HS, với 736 lớp. Trong đó, cấp mầm non có 2.805 cháu/85 lớp; tiểu học (TH) có 12.989 HS/429 lớp; THCS có 9.322 HS/222 lớp, tăng 859 HS. Để đảm bảo CSVC, trang thiết bị phục vụ dạy và học, huyện Ninh Phước đã huy động nguồn lực xây dựng 71 phòng học và 27 phòng bộ môn tại các trường, với tổng kinh phí trên 84,3 tỷ đồng. Ngoài ra, sửa chữa 30 phòng học, nhà vệ sinh, tường rào cho các trường: Mẫu giáo (MG) An Hải, TH Phước Khánh, TH La Chữ, TH Phú Quý 1 và Trường THCS Nguyễn Tất Thành, với tổng kinh phí 4,3 tỷ đồng. Cùng với đó, các trường còn đầu tư mua sắm trang thiết bị như máy tính, tivi, đồ dùng dạy và học... phục vụ cho công tác giảng dạy trong năm học mới. Thầy giáo Phạm Bé, Hiệu trưởng Trường THCS Trương Định, thị trấn Phước Dân cho biết: Ngay từ đầu năm, nhà trường được huyện quan tâm đầu tư xây mới 4 phòng học, ngoài ra nhà trường còn sửa chữa lại trường, lớp, bàn ghế, đầu tư mua sắm dụng cụ, trang thiết bị để phục vụ cho công tác giảng dạy. Điều kiện CSVC khang trang, thầy trò và phụ huynh HS rất phấn khởi, đáp ứng việc học tập cho 1.620 HS ở tất cả các khối.
Trường Tiểu học Tân Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước) được đầu tư khang trang chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: Tiến Mạnh
Không chỉ đảm bảo về CSVC, trang thiết bị phục vụ dạy học, sách giáo khoa (SGK) cho năm học mới cũng được Phòng GD&ĐT huyện quan tâm. Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ nguồn SGK để đáp ứng nhu cầu học tập của HS theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 ở các cấp bậc học; Phòng GD&ĐT huyện cũng đã thông báo kịp thời đến phụ huynh HS về bộ SGK, đồ dùng, thiết bị mà HS cần chuẩn bị cho năm học mới; phòng cũng đã phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương cùng các trường học tăng cường kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ, tặng SGK, tài liệu tham khảo, thiết bị dạy học, đồ dùng học tập đảm bảo phục vụ tốt cho công tác dạy và học trước khi bước vào năm học mới. Ngoài ra, các trường đã phối hợp Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học cung ứng đầy đủ, kịp thời SGK cho phụ huynh HS có nhu cầu, đồ dùng, thiết bị dạy học cho giáo viên (GV); các trường học còn thông tin cho phụ huynh, HS nắm kế hoạch của năm học mới.
Toàn huyện hiện có 1.517 cán bộ (CB) quản lý, GV, nhân viên cơ bản đáp ứng được việc tổ chức dạy học. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là toàn huyện vẫn còn thiếu 45 CB quản lý, 50 GV và 142 nhân viên so với định mức ở các cấp bậc học.
Cô giáo Lê Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ninh Phước cho biết: Với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng dạy và học, năm học 2024-2025, ngành GD&ĐT huyện đã xây dựng kế hoạch giảng dạy, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học mới; đổi mới mạnh mẽ việc dạy và học theo Chương trình GDPT năm 2018, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; chủ động sắp xếp, bố trí CB, GV theo hướng dẫn từng bậc học, nhằm đảm bảo công tác dạy và học, thực hiện giáo dục tại các đơn vị trường học; tổ chức tập huấn về phương pháp dạy và học, nội dung SGK, tài liệu dạy học, nghiên cứu nội dung chương trình, xây dựng kế hoạch giáo dục cho đội ngũ GV theo đúng kế hoạch của Bộ GD&ĐT, nhằm thực hiện chương trình của năm học mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, hội cha mẹ HS để thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Năm học 2024-2025, toàn huyện Bác Ái có 29 trường học, với 7.135 HS/308 lớp. Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, có 27/29 đơn vị trường học được đầu tư xây dựng và sửa chữa các hạng mục: Phòng học, phòng chức năng, nhà đa năng, nhà vệ sinh, công trình nước sạch... để đưa vào sử dụng trong năm học mới 2024-2025. Số phòng học phục vụ cho năm học 2024-2025 là 398 phòng. Với số phòng học hiện có, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện cơ bản đảm bảo thực hiện giảng dạy 2 buổi/ngày và đáp ứng được cho đổi mới Chương trình GDPT năm 2018 (1 lớp/phòng). Song song, với đầu tư CSVC, Phòng GD&ĐT huyện cũng quan tâm, chú trọng đến đội ngũ CB, GV. Năm học mới toàn huyện biên chế 680 CB, GV, đáp ứng nhu cầu giảng dạy tại các trường. Đội ngũ CB quản lý và nhà giáo các cấp học trên địa bàn huyện cơ bản đủ về số lượng và cơ cấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, 100% GV đạt chuẩn về trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp tăng cao so với mặt bằng chung của tỉnh.
Giáo viên Trường Tiểu học Phước Thắng (Bác Ái) dạy tiếng Việt cho các em học sinh bước vào năm học mới. Ảnh: Kha Hân
Thầy giáo Đặng Ngọc Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bác Ái, cho biết: Hiện nay công tác chuẩn bị cho năm học mới đã hoàn tất. Phòng cũng đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo cho các xã tập trung vào công tác khai giảng theo định hướng và chỉ đạo từ trung ương, bộ, tỉnh theo khung thời gian năm học.
Năm học 2024-2025, huyện Ninh Sơn dự kiến đón trên 14.400 HS ở các cấp bậc MG, TH và THCS. Đến thời điểm này, huyện cơ bản hoàn tất các khâu chuẩn bị từ CSVC, trang thiết bị dạy học đến ổn định đội ngũ CB quản lý, GV, huy động HS ra lớp, sẵn sàng bước vào năm học mới.
Để đảm bảo trường, lớp cho năm học mới, ngay khi kết thúc năm học 2023-2024, Phòng GD&ĐT huyện đã triển khai cho các trường học trên địa bàn rà soát, tổng hợp mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng học tập, đề xuất sửa chữa CSVC để tham mưu UBND huyện huy động, bố trí nguồn lực đầu tư phục vụ học tập. Qua đó, huyện đã đầu tư gần 3 tỷ đồng cho việc sửa chữa phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh, hệ thống điện, sân trường...; đầu tư mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục với kinh phí trên 300 triệu đồng. Không chỉ đảm bảo CSVC, trang thiết bị phục vụ dạy học, SGK cho năm học mới cũng được Phòng GD&ĐT huyện quan tâm, chuẩn bị đầy đủ nguồn SGK để đáp ứng nhu cầu học tập của HS; thông báo đầy đủ, kịp thời đến phụ huynh, HS về bộ SGK, đồ dùng, thiết bị mà HS cần chuẩn bị cho năm học mới.
Cô giáo Lê Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường TH Tân Sơn B, thị trấn Tân Sơn, cho biết: Để chuẩn bị cho khai giảng năm học 2024-2025, toàn thể CB và GV nhà trường đang tích cực vệ sinh khuôn viên trường lớp, trang trí phòng học. Theo đó, trường đã sửa chữa mới 80 bộ bàn ghế, lắp đặt tivi thông minh và quạt ở tất cả các lớp, trang bị thêm 1 phòng tin học với 10 máy vi tính phục vụ giảng dạy Chương trình GDPT năm 2018. Dự kiến năm học này trường đón 545 HS, bố trí 15 lớp. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới đã hoàn tất; đội ngũ CB, GV và đã được củng cố, kiện toàn; trang thiết bị của nhà trường đã được kiểm tra đảm bảo được chất lượng dạy và học.
Giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Sơn C, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) dạy tiếng Việt cho học sinh bước vào lớp 1. Ảnh: Kim Thùy
Để HS được tăng cường tiếng Việt qua các hoạt động nghe, hiểu, nói, nhà trường đã hợp đồng với cộng tác viên là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương cùng đứng lớp với GV được phân công giảng dạy tăng cường tiếng Việt. Cô giáo Trần Thị Bích Thanh, GV Trường TH Mỹ Sơn C, cho biết: Phần lớn HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở nhà giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ nên khi đi học, vốn tiếng Việt của các em rất ít, vì vậy khi có GV biết tiếng của các em cùng đứng lớp phiên dịch sẽ giúp HS và GV linh hoạt hơn trong trao đổi bài học đúng trọng tâm.
Thầy giáo Phan Thanh Hoàng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ninh Sơn, cho biết: Bên cạnh công tác chuẩn bị về CSVC, thiết bị giáo dục, hiện nay 38 đơn vị trường học trên địa bàn huyện còn đẩy mạnh công tác tuyển sinh MG, lớp 1, lớp 6; các trường TH vùng đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức các lớp tăng cường tiếng Việt cho HS lớp 1. Đồng thời trong dịp hè, Phòng GD&ĐT huyện cũng đã chủ động lập kế hoạch, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, giúp đội ngũ CB, GV bổ sung những kiến thức mới phục vụ công tác giảng dạy. Tuy nhiên năm học này, huyện còn khó khăn là Trường MG Nhơn Sơn, điểm trường thôn Nha Hố, xã Nhơn Sơn vẫn còn mượn tạm phòng của Trường TH Nha Hố để sử dụng và học tập. Phòng GD&ĐT huyện mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư từ các nguồn ngân sách trong xây dựng CSVC các trường học trên địa bàn để xây dựng Trường MG Nhơn Sơn, điểm trường thôn Nha Hố. Qua đó nhằm xóa trường học tạm, tạo điều kiện cho các cháu học MG tại thôn Nha Hố có không gian sinh hoạt, vui chơi và học tập ổn định, đáp ứng nhu cầu về vật chất giáo dục có chất lượng, phòng học đạt chuẩn quốc gia theo hướng chuẩn hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Nhóm PV