Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) là đơn vị có nhiều mô hình, hoạt động nhân ái được triển khai, nhân rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hóa, Chủ tịch Hội LHPN phường Đô Vinh, cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, đi đôi với vận động hội viên, phụ nữ duy trì các mô hình nguồn vốn nội lực, phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế gia đình, Hội LHPN phường vận động mạnh thường quân tặng 2.882 suất quà cho các đối tượng: Người già neo đơn, khó khăn, bệnh tật với tổng số tiền trên 535 triệu đồng. Cùng với đó, mô hình “Hũ gạo tình thương” được duy trì, nhân rộng, qua đó vận động được 3.800kg gạo, hỗ trợ 455 lượt chị có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với hội cấp trên xây dựng 2 căn nhà mái ấm tình thương với số tiền 100 triệu đồng cho phụ nữ nghèo khó khăn về nhà ở. Đặc biệt, hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, đến nay, hội đã phối hợp, nhận đỡ đầu 5 trẻ mồ côi và 4 trẻ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 16 triệu đồng/năm; nhận đỡ đầu thường xuyên 6 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn... Những mô hình, hoạt động của hội được triển khai, nhân rộng đã góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, phụ nữ và chung tay thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ở Hội Khuyến học huyện Ninh Phước, Quỹ Khuyến học Trần Thi qua gần 2 năm thành lập đã trở thành “cầu nối nhân ái” giữa doanh nghiệp, nhà hảo tâm với học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó vươn lên đạt thành tích tiêu biểu trong học tập, rèn luyện. Đây cũng là mô hình khuyến học tiêu biểu, hiệu quả, được Hội Khuyến học tỉnh đánh giá cao. Bà Lê Thị Hường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học huyện Ninh Phước, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2024, Quỹ Khuyến học Trần Thi đã nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân số tiền 240 triệu đồng, nâng tổng quỹ vận động, tiếp nhận từ ngày thành lập (10/2022) đến nay lên 675 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội Khuyến học huyện đã trao 260 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) giúp học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện có thêm điều kiện đến trường.
Người dân tham gia hiến máu tình nguyện.
Hướng đến người khó khăn, yếu thế trong xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kết nối được nhiều tấm lòng nhân ái giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Nổi bật có thể kể đến phong trào “Tết nhân ái” xuân Giáp Thìn 2024 được các cấp hội triển khai sâu rộng, qua đó, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh trợ giúp 38.760 suất quà trị giá gần 13 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, hộ gia đình có người nhiễm chất độc da cam, đạt 267% chỉ tiêu trung ương giao. Các cấp hội còn tuyên truyền, vận động hội viên, tình nguyện viên tích cực tham gia phong trào “Hiến máu tình nguyện”. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã vận động 4.717 người tham gia, hiến được 3.925 đơn vị máu, đạt 56% chỉ tiêu trung ương giao, góp phần giúp đỡ nhiều người bệnh đang cần máu điều trị và duy trì sự sống.
Đồng chí Phạm Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chia sẻ: Công tác chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, người dân gặp hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng yếu thế trong xã hội đã trở thành mệnh lệnh trái tim, nhiệm vụ thường xuyên, cụ thể trong chương trình phối hợp và thống nhất hành động của cả hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên. Trong 5 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” toàn tỉnh đã nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh số tiền hơn 80,8 tỷ đồng; đã hỗ trợ xây mới 2.344 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng do thiên tai, biến đổi khí hậu với số tiền trên 100,3 tỷ đồng...
Các doanh nghiệp hảo tâm đã trao biểu trưng ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh Ninh Thuận năm 2024 cho lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ
Cùng với đó, các cấp Mặt trận phối hợp xây dựng, triển khai nhiều mô hình sinh kế hiệu quả, giúp người nghèo phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. đơn cử như dự án “Trồng măng tây xanh Hà Lan kết hợp tưới nước tiết kiệm” tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) đã giúp 24/24 hộ đồng bào Chăm tham gia thoát nghèo bền vững; vận động các tổ chức tôn giáo và các đoàn thể nhận đỡ đầu, giúp đỡ 70 hộ nghèo về vật nuôi, con giống, nguồn vốn, sinh kế giúp các hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững... Từ kết quả các mô hình, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh ký kết và triển khai kế hoạch mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng một mô hình sinh kế thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025, bước đầu đã xây dựng được 71 mô hình với tổng kinh phí hơn 47,6 tỷ đồng...
Những mô hình, việc làm nhân ái được triển khai, nhân rộng đã góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Lâm Anh