Tăng cường quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), những năm qua các cấp, các ngành đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cho người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động thực hiện tốt công tác này.

Chỉ riêng trong Tháng hành động về ATVSLĐ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cấp phát trên 1.000 tranh, áp phích, tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về chính sách, pháp luật ATVSLĐ cho các địa phương, doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Liên đoàn Lao động tỉnh trích kinh phí công đoàn tổ chức thăm, tặng quà cho đoàn viên, NLĐ bị tai nạn lao động (TNLĐ); đồng thời, chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp hướng dẫn các công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, chú trọng ở các DN có đông công nhân lao động và DN trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp...

Nguy cơ tai nạn lao động dễ xảy ra ở các công trình xây dựng dân sinh nếu người lao động không tuân thủ quy định an toàn, vệ sinh lao động.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Các hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ ở các cấp công đoàn diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp. Tiêu biểu như Công đoàn các khu công nghiệp phối hợp tổ chức Hội thi “Rung chuông vàng tìm hiểu Luật ATVSLĐ”, Hội thao “Công nhân lao động” và “Ngày hội Việc làm” năm 2024; qua đó, tư vấn về pháp luật lao động, chính sách bảo hiểm xã hội, ATVSLĐ... cho đoàn viên, NLĐ; hay như Công đoàn ngành y tế tỉnh tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu về công tác ATVSLĐ” nhằm bảo đảm ATLĐ, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp cho cán bộ, công nhân, viên chức, nhân viên của ngành. Các DN tăng cường tuyên truyền như: Treo panô, khẩu hiệu, phát trên loa truyền thanh nội bộ, họp mặt, tọa đàm...; đặc biệt nhiều DN tổ chức đối thoại trực tiếp tư vấn pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, huấn luyện công tác ATVSLĐ; khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; thành lập, củng cố kiện toàn mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Đến nay, đã có 111 DN có tổ chức công đoàn thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên, góp phần bảo đảm ATVSLĐ tại các cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ATVSLĐ vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần được khắc phục, nhất là tình trạng vi phạm, TNLĐ vẫn xảy ra. Trong Tháng hành động về ATVSLĐ, các cấp, các ngành chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 34 DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh về công tác ATVSLĐ. Qua kiểm tra đa số cơ sở, DN đều ít nhiều có vi phạm. Hầu hết vi phạm tập trung vào các nội dung: Chưa thực hiện ký kết hợp đồng lao động theo đúng quy định, hoặc chưa huấn luyện ATVSLĐ, khám sức khỏe định kỳ, chưa trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho NLĐ theo quy định; chưa khai báo việc sử dụng thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; chưa báo cáo định kỳ công tác ATVSLĐ. Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã lập biên bản nhắc nhở, chỉ ra những thiếu sót; yêu cầu DN nghiêm túc khắc phục và có báo cáo khắc phục kiến nghị bằng văn bản.

Điều đáng quan tâm đó là, số vụ TNLĐ từ đầu năm đến nay tăng, với tổng số 12 vụ, làm chết 6 người, tăng 25% so với cùng kỳ. Qua thanh tra từ các vụ TNLĐ, cơ quan chức năng đã chỉ rõ có nhiều nguyên nhân: Trình độ, kinh nghiệm, ý thức, nhận thức đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình thực hiện công việc của NLĐ còn hạn chế dẫn đến thiếu thận trọng trong thao tác, thực hiện quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; không sử dụng trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân; sự phối hợp công việc trong nhóm thợ chưa tốt. Bên cạnh đó, công tác quản lý, tổ chức điều hành sản xuất, chỉ đạo thi công của cán bộ công trường, phân xưởng chưa đảm bảo; việc bố trí lao động, phân công công việc không cụ thể; tổ chức, sắp xếp nơi làm việc chưa đảm bảo, chưa dự báo, phát hiện kịp thời những nguy cơ mất an toàn để có biện pháp xử lý...

Đồng chí Trần Đức Long, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tăng cường quản lý, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, phòng ngừa TNLĐ, nhất là tại các DN có nguy cơ cao về TNLĐ trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, chế biến khoáng sản, sản xuất kim loại, sản xuất hóa chất, xây dựng. Cải thiện điều kiện lao động trong khu vực DN vừa và nhỏ, khu vực sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn. Tăng cường hướng dẫn các DN, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác huấn luyện ATVSLĐ, kiểm tra, tự kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những nguy cơ, rủi ro TNLĐ để có biện pháp ngăn chặn. Tuyên dương các mô hình, điển hình làm tốt trong công tác ATVSLĐ. Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiển tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm tạo chuyển biến mạnh về ý thức, nhận thức cho tổ chức, cá nhân và toàn xã hội trong công tác ATVSLĐ.