Nguyên nhân một phần do bộ phận không nhỏ người tiêu dùng, đặc biệt tại các vùng nông thôn vẫn còn tâm lý muốn mua hàng giá rẻ, ít quan tâm đến chất lượng, miễn sản phẩm có kiểu dáng, thiết kế tương tự hàng thật nhưng mức giá rẻ hơn nhiều lần. Mặt trái của thương mại điện tử cũng là một nguyên nhân nếu người bán thiếu đạo đức chỉ quan tâm lợi nhuận còn người mua thiếu kiến thức chỉ cần nhanh, tiện và giá rẻ, trong khi công tác quản lý giao dịch điện tử còn nhiều lỗ hổng. Không chỉ là bột giặt, giấy vệ sinh, quần áo, giày dép,… gần đây, số vụ hàng giả, nhái bị phát hiện đang tăng mạnh với cả những món hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như: mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, sữa bột hay thuốc men,… Các sản phẩm này được bán tràn lan và rất dễ dàng tiếp cận, mua bán trên các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Lực lượng chức năng Thành phố Hồ Chí Minh kiểm đếm hàng hóa vi phạm trước khi tiêu hủy. (Ảnh Cục Quản lý thị trường)
Lực lượng quản lý thị trường phát hiện không ít vụ việc và thu giữ hàng chục tấn hàng hóa là thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như HepBest, Blackmores, Royal retinol, Slim bee..., thậm chí trong một số loại nói trên có chứa chất cấm Sibutramin và Cyproheptadin có thể gây đột quỵ, tổn thương não, nhồi máu cơ tim và nhiều nguy cơ nguy hiểm khác cho người sử dụng. Điều này cho thấy, tuy là hàng giả nhưng nỗi lo về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và sự an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng là có thật.
Trước hết, người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi "tiền mất, tật mang", bỏ ra số tiền không nhỏ nhưng nhận lại sản phẩm có chất lượng kém, nhẹ gây ngộ độc, nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Chưa kể hàng giả dùng trong nông nghiệp có khi giết chết cả một vùng sản xuất, cả vụ nuôi, trồng làm nhà nông điêu đứng. Bên cạnh đó, hàng giả, nhái gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, khiến doanh nghiệp chịu thiệt đơn thiệt kép vì không bán được hàng, từ đó gây thất thu ngân sách nhà nước. Mặc dù các lực lượng chức năng liên tục phát hiện và xử lý vi phạm liên quan, song vấn nạn này đến nay vẫn chưa có "phương thuốc" điều trị dứt điểm.
Trên thực tế, cuộc chiến chống hàng giả, nhái luôn phức tạp và khốc liệt. Để nâng cao hiệu quả trong phòng chống hàng giả, nhái, bảo vệ thương hiệu hàng hóa, uy tín của doanh nghiệp và sức khỏe người tiêu dùng, sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các lực lượng chức năng trong việc kiểm soát thị trường, chủ động phát hiện, xử lý vi phạm là rất cần thiết. Trong đó, các lực lượng chức năng cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp, tránh chồng chéo, "mạnh ai nấy làm", từ đó xử lý nhanh chóng và kịp thời hơn những vụ việc phức tạp; có biện pháp đánh trúng, đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, tụ điểm sản xuất, buôn bán hàng giả, nhái phức tạp, không để xảy ra tình trạng chỉ xử lý phần ngọn.
Ngoài ra, thông qua tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông, tổ chức các tuần lễ trưng bày hàng hóa để cung cấp cho người tiêu dùng những kinh nghiệm, dấu hiệu nhận biết hàng thật, hàng giả, từ đó góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, quyền lợi nhà sản xuất chân chính, cao hơn là bảo vệ các thương hiệu có giá trị, thương hiệu quốc gia, đồng thời cũng chính là chìa khóa để ngăn chặn hàng giả, nhái trên thị trường hiện nay.
Theo nhandan.vn