Khơi thông nguồn lực
Tán thành cao về sự cần thiết điều chỉnh đồng thời hiệu lực sớm của 3 Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và khoản 2, Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách mới, khắc phục những tồn tại, bất cập của các luật trước đây, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả. Đồng thời, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, đột phá, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường nhà ở, bất động sản, được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Vì vậy, việc điều chỉnh hiệu lực sớm của các luật sẽ đảm bảo sớm đưa các quy định mới, đột phá có lợi cho người dân, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vào thực thi áp dụng trong thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đại biểu này dẫn chứng, Luật Đất đai đã quy định cụ thể về các trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê… Quy định như vậy sẽ cơ bản khắc phục được những hạn chế trong hệ thống pháp luật hiện hành, bảo đảm có cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch để cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ được giao cho thuê đất.
Do đó, nếu các quy định này sớm có hiệu lực hơn thì địa phương sẽ có căn cứ để triển khai mà không nhất thiết chờ đến ngày 1/1/2025, đặc biệt là đối với các dự án mới có sử dụng đất, từ đó góp phần quan trọng vào việc khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Đồng thời sửa đổi Luật Lâm nghiệp để phân cấp toàn bộ thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Nếu các quy định này có hiệu lực sớm hơn sẽ rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chia sẻ mong muốn 4 dự án Luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 để tạo động lực cho đất nước phát triển, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết, nếu chỉ đọc những nội dung được Chính phủ trình, nhất là phụ lục thống kê những điểm có lợi cho người dân và doanh nghiệp thì không có lý do gì để Quốc hội không ủng hộ việc các luật có hiệu lực sớm.
“Nhất là từ thực tiễn điều hành ở địa phương thì chúng tôi lại càng mong muốn các Luật này sớm đi vào cuộc sống. Bởi vì, các Luật hiện hành có sự chồng chéo, mâu thuẫn, cách hiểu, cách thực hiện còn quá nhiều bất cập. Nhiều cán bộ nhà nước vi phạm pháp luật,… nhiều cán bộ “né tránh”, “đùn đẩy” sợ trách nhiệm cũng có lý do từ bất cập đó, nên các luật có hiệu lực sớm ngày nào thì tình trạng trên sẽ được cải thiện sớm ngày đó”, đại biểu này chỉ rõ.
Theo ông, thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã lấy ý kiến của các địa phương, để xây dựng các văn bản dưới luật, để khi Luật có hiệu lực tổ chức thực hiện được ngay. Nhưng những vấn đề được Ủy ban Kinh tế chỉ ra, cũng cần được quan tâm đầy đủ, nhất là nhận diện, đánh giá đầy đủ ảnh hưởng, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là phản ứng, tâm lý của xã hội.
Chẳng hạn, Ủy ban Kinh tế quan ngại một số quy định có hiệu lực sớm hơn 5 tháng gây khó khăn cho các đối tượng do yêu cầu quản lý cao hơn, điều kiện thi hành chặt chẽ hơn. Giải trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng Luật Nhà ở năm 2023 đã quy định rất chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các loại hình nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở (hay còn gọi là chung cư mini) với mục tiêu để bán, cho thuê, cho thuê mua, theo đó yêu cầu phải lập dự án xây dựng nhà ở hoặc phải đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; đáp ứng yêu cầu về đầu tư xây dựng. Quy định này để khắc phục tình trạng xây dựng nhà ở không đảm bảo yêu cầu trong đầu tư xây dựng, dẫn đến tình trạng cháy nổ như xảy ra thời gian vừa qua, do đó, việc quy định hiệu lực sớm của Luật Nhà ở sẽ khắc phục được các vấn đề của thực tiễn xảy ra trong thời gian vừa qua.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phân tích, “lập luận này rất đúng, nhưng tôi cho rằng việc đáp ứng các yêu cầu mới về đầu tư xây dựng cũng phải có lộ trình, và các nhà đầu tư đã chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu này từ 1/1 năm sau”. Đây chỉ là một nội dung có thể tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh.
Ông đề nghị, với tất cả những điều khoản có yêu cầu quản lý cao hơn, điều kiện thi hành chặt chẽ hơn thì khuyến khích đối tượng chịu sự tác động thực thi từ 1/8 năm nay, còn hiệu lực để áp dụng chế tài xử lý vẫn từ 1/1 năm sau.
Băn khoăn tiến độ ban hành văn bản
Về điều kiện đảm bảo, tại tờ trình Chính phủ khẳng định có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được ban hành đảm bảo tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng khi các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, đây được coi là điểm tựa để các đại biểu bấm nút thông qua việc có hiệu lực sớm, song, điều ông băn khoăn là tiến độ ban hành các văn bản đó phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị của các bộ, ngành.
Khi Quốc hội thông qua luật Đất đai, vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp có ý kiến mong muốn được tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đất cho nhà ở thương mại. Chính phủ đã tính đến Đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác và nội dung này đã được đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai 2024.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định đây là việc có lợi cho nước, cho dân, từ tháng 2 năm nay đã khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án, với phương án tốt nhất là được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này và có hiệu lực thi hành cùng với Luật Đất đai. Tuy nhiên, đến nay đề án chưa được trình Quốc hội.
“Dù là Quốc hội, Chính phủ hay các bộ, ngành, cái gì đã nói được thì cần phải làm được”, nhấn mạnh điều này, đại biểu tỉnh Quảng Trị cũng thẳng thắn cho biết, ông có đọc biên bản thảo luận tổ, một số ý kiến đại biểu băn khoăn là tại sao Quốc hội bấm nút thông qua mà lại yêu cầu “Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, tôi nghĩ rằng việc xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh hiệu lực của các luật”.
“Chính phủ đề xuất và phải chịu trách nhiệm là đúng, nhưng tôi nghĩ mỗi vị đại biểu Quốc hội đã bấm nút thì cũng phải có trách nhiệm với quyết định của mình”, đại biểu nói và kết thúc phần tham luận với đề nghị trước khi thông qua luật, cơ quan soạn thảo nên gửi tới Quốc hội những vấn đề có thể phát sinh khi các luật trên có hiệu lực sớm, nếu có thì giải quyết thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết. Có như vậy khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, đại biểu cũng có cơ sở chắc chắn để trả lời cử tri.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Quang Huân phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Cũng như vậy, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, cần lường trước rủi ro nảy sinh và việc ứng phó với rủi ro khi ban hành sớm các quy định, dự trù trong trường hợp có địa phương không làm kịp thì Trung ương có sự hỗ trợ như thế nào.
Còn theo đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre), thực hiện càng sớm, càng rõ ràng, càng có hiệu quả cao. Trong thời gian ngắn phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, điều này đặt ra vấn đề đáng quan tâm là chất lượng văn bản, phải rà soát, tránh chồng chéo.
Theo baotintuc.vn