Tại vị trí giữa thân đập dâng Tuấn Tú bị sụt lún đột ngột, kéo theo đoạn đập phía vai phải và sân tiêu năng sau đập dài khoảng 30m bị sập. Phía vai phải bằng đá xây cũng bị sụt lún, xói lở ăn sâu vào phần đất liền tạo hàm ếch khoảng 5m, diện tích xói lở vị trí chân đập khoảng 40m2. Hiện thân đập không còn khả năng giữ nước như thiết kế ban đầu. Qua kiểm tra, đánh giá sơ bộ nguyên nhân sụt lún, sập gãy thân đập là do đá xây lõi đập từ chân đập lên đến đỉnh đập thường xuyên nằm ngập trong nước nên phần vữa xây đã bị phong hóa, thân đập không còn tác dụng tạo chất kết dính giữa đá xây, cộng với lượng bùn cát lắng đọng qua nhiều năm đã gây áp lực rất lớn lên thân đập và đập bị rỗng tạo hàm ếch, thấm mất nước, dẫn đến thân đập bị sập gẫy. Ngoài ra, đập Tuấn Tú đã được xây dựng từ lâu, vữa xây đã bị phong hóa, thân đập không còn tác dụng tạo chất kết dính gây ra sự cố vỡ đập, không đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đập dâng trên Sông Lu 2 ở xã An Hải (Ninh Phước) được khắc phục tạm thời bằng cát để lấy nước phục vụ sản xuất..
Theo ghi nhận tại hiện trường, do sự cố vỡ đập nên hiện nay các cống lấy nước tại đập dâng Tuấn Tú đang bị treo cao hơn so với mực nước trên Sông Lu 2, không cấp được nước phục vụ sản xuất cho 100ha (chủ yếu là cây lúa) từ kênh Tuấn Tú và khoảng 40ha thuộc Trạm bơm phục vụ khu tưới rau an toàn tập trung xã An Hải (thuộc vùng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh) không có nước tưới.
Theo nhiều người dân cho biết, sự cố vỡ đập giữa mùa nắng hạn khiến nông dân rất lo lắng lúa vụ hè - thu vừa xuống giống sẽ chết khô nếu như sự cố không được khắc phục kịp thời trong những ngày tới. Anh Thạch Phương ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải cho biết: Gia đình tôi vừa xuống giống hơn 2 sào lúa được hơn một tuần, giờ đập dâng Sông Lu 2 bị vỡ không có nguồn nước để cung cấp, nên toàn bộ diện tích lúa mới gieo có nguy cơ chết khô vì thiếu nước. Nếu tình trạng này kéo dài chỉ vài ngày thì cây lúa coi như thiệt hại nặng. Hy vọng các ngành chức năng sớm khắc phục sự cố để nông dân có nước cứu cây trồng trước nguy cơ mất trắng.
Ông Hồ Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết: Sự cố vỡ đập gây ảnh hưởng cho hơn 300ha vùng sản xuất rau an toàn và lúa vụ hè - thu đứng trước nguy cơ thiếu nước. Nguồn nước bị ngắt đột ngột khiến nông dân không kịp chủ động. Đối với các loại rau màu thì người dân có thể dùng nước giếng để tưới thay thế. Riêng về diện tích lúa hè - thu mới xuống giống hiện rất khó khăn về nguồn nước.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện ngành chức năng đang khắc phục sự cố tạm thời bằng cách đắp đập tạm bằng cát để lấy nước phục vụ người dân sản xuất trong vụ hè - thu; gia cố rọ đá hướng dòng trên Sông Lu tại vị trí thượng lưu đập Tuấn Tú để cống lấy nước vào bể hút của Trạm bơm phục vụ khu tưới rau an toàn tập trung của xã An Hải; nạo vét luồng dẫn và đắp bờ bao vào kênh Tuấn Tú. Về lâu dài, sẽ kiến nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt phương án xây dựng lại đập dâng Tuấn Tú theo hướng kiên cố đảm bảo cung cấp nước tưới ổn định cho khu vực hạ du.
Tiến Mạnh