Kết quả sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 10/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2025, định hướng đến năm năm 2030 bước đầu mang lại kết quả nhất định. Các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tập trung vào nghiên cứu ứng dụng bám sát thực tiễn quản lý ngành và địa phương, góp phần giải quyết được một số vấn để cấp thiết phát sinh trong thực tiễn.

Để sớm đưa Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy vào cuộc sống, ngay từ khi nghị quyết mới ban hành Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổng thể, đồng bộ, có phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để tổ chức ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng kết quả; có các yêu cầu về tiến độ, các kết quả sản phẩm cụ thể cho từng giai đoạn, bước đầu tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của ngành KH&CN nói riêng và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Đã có nhiều kết quả KH&CN được các sở, ngành, địa phương ứng dụng vào thực tiễn và triển khai ứng dụng, nhân rộng. Điển hình như: Sản xuất giá thể hữu cơ; chế biến rượu hạt chuối từ chuối cô đơn; tưới tiết kiệm nước; ứng dụng sáng chế để xây dựng quy trình chiết xuất nha đam; ứng dụng công nghệ vi sinh chế biến thức ăn cho gia súc; ứng dụng chế phẩm sinh học EM trong chăn nuôi heo, gà, bò; ứng dụng vi sinh trong sản xuất tôm giống và tôm thương phẩm.

Các doanh nghiệp trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh. Ảnh: V.Nỷ

Ngoài ra, Sở KH&CN cùng với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ về hoạt động khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn sản xuất trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã tác động làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp (DN), từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm hàng hóa, trình độ công nghệ trong DN. Đến nay, diện tích ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt 825,61ha, với 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động; nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với diện tích hơn 4.740ha; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước với diện tích hơn 9.354ha; nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ “bao lưới chống ruồi vàng” trong sản xuất táo với diện tích gần 918ha; ứng dụng san phẳng mặt ruộng bằng tia laser thực hiện được 9,8ha.

Hiện nay, Sở KH&CN đang triển khai 2 nhiệm vụ có ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gồm: Quản lý và khai thác thương mại nhãn hiệu chứng nhận “Dê Ninh Thuận” theo chuỗi giá trị; Quản lý và khai thác thương mại chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm thịt cừu theo chuỗi giá trị. Thực hiện mục tiêu phát triển DN trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, Sở KH&CN đã triển khai xây dựng đề án phát triển Trung tâm Thông tin-Ứng dụng tiến bộ KH&CN đủ năng lực thực hiện chức năng hỗ trợ giao dịch, tìm kiếm kết nối cung-cầu công nghệ giữa các DN của tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước, thực hiện nhiệm vụ làm cơ sở ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ cho Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam, nhận chuyển giao bản quyền 3 giống lúa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp văn bằng bảo hộ giống, gồm: Giống lúa thuần Thiên Hương 6, nhận chuyển giao từ Trung tâm Giống cây trồng Quảng Ngãi; giống lúa ML214 và ML202 nhận chuyển giao từ Trung tâm Giống cây trồng Bình Thuận. Hỗ trợ 6 DN áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018, hệ thống quản lý phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015; 4 DN chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất; hướng dẫn và cấp chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phòng kiểm nghiệm, thử nghiệm và hiệu chuẩn đạt chuẩn ISO/IEC17025 cho 1 tổ chức; tiếp nhận và hướng dẫn cho 8 tổ chức thực hiện công bố hợp chuẩn cho 12 sản phẩm.

Đồng chí Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Sau một thời gian ngắn thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ sản xuất tiên tiến đã được triển khai, nhân rộng; các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm hàng hoá, trình độ công nghệ cho DN; từng bước hoàn thiện một số quy định, chính sách phát triển KH&CN. Một số giải pháp chủ yếu để huy động nguồn lực đã được đơn vị chủ động tham mưu UBND tỉnh.

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm sản xuất đậu phộng. Ảnh: H.Lâm 

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy, thời gian tới ngành KH&CN tập trung kiện toàn và phát triển các tổ chức KH&CN của tỉnh; đầu tư phát triển Trung tâm Thông tin - Ứng dụng tiến bộ KH&CN đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ làm cơ sở ươm tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh; nâng cao năng lực, trình độ nhân lực KH&CN của tỉnh; thu hút các nguồn lực tài chính quốc tế, các chương trình trung ương và các quỹ quốc gia, quỹ khuyến công, khuyến nông,... để hỗ trợ cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Lựa chọn một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh để tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phát triển thành các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ xây dựng các vùng, cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi; thúc đẩy đầu tư đổi mới công nghệ để Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống có chất lượng cao của cả nước; ứng dụng công nghệ cao để phát triển nuôi tôm công nghiệp và các đối tượng có lợi thế khác; nghiên cứu, quy hoạch nuôi hải sản tầng biển sâu.

Kết hợp triển khai các chính sách của trung ương và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền của tỉnh thu hút đầu tư và tiếp nhận công nghệ hiện đại; đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nhất là trong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến; hỗ trợ đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; tăng cường năng lực đánh giá, thẩm định, lựa chọn các công nghệ hiện đại, công nghệ tiên tiến. Nghiên cứu các lợi thế, giá trị nổi trội của điều kiện tự nhiên, thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người; những quy luật, đặc điểm và các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, nguồn gen quý hiếm; ứng dụng công nghệ quảng bá, phát triển hạ tầng du lịch.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông và hỗ trợ DN áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh. Hỗ trợ hoạt động tạo ra và đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù, chủ lực, OCOP; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, phát triển các sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị; chú trọng đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại.

Xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh; triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư, thúc đẩy, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và DN KH&CN; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo; phát triển năng lực cho cá nhân, DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng; kết nối, giới thiệu các DN khởi nghiệp với các quỹ đầu tư…