Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại

Ngày 27/3/1946 đã trở thành ngày lịch sử của thể thao Việt Nam khi “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trên Báo Cứu quốc - Cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh. Lời kêu gọi của Bác Hồ đã trở thành văn kiện lịch sử quý giá, mang lại nguồn động viên to lớn cho phong trào tập luyện thể dục thể thao (TDTT) nước nhà.

Cùng với cả nước, 78 năm qua, phong trào TDTT theo gương Bác Hồ vĩ đại luôn được các cấp, ngành trong tỉnh chú trọng, đẩy mạnh thực hiện, từ phong trào TDTT quần chúng đến thể thao thành tích cao. Được quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng cũng như chiều sâu; phong trào TDTT phát triển rộng khắp, từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thành phố đến các thôn, xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Phong trào đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của đông đảo nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng của tập luyện TDTT trong nâng cao sức khỏe, thể lực, ý chí; đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 34,5% số người tập TDTT thường xuyên. Hoạt động TDTT quần chúng không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, mỗi năm, trung bình tổ chức gần 200 giải thể thao cấp xã, trên 60 giải cấp huyện, 15 giải cấp tỉnh và trên 30 giải do các ngành tổ chức, chất lượng các giải thể thao ngày càng được nâng lên, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thu hút nhiều thành phần tham gia, góp phần đẩy mạnh phong trào TDTT trên địa bàn toàn tỉnh.

 
Các vận động viên thi đấu tại Giải bóng rổ U22 mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh: T.Mạnh
 

Cùng với thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao của tỉnh đã từng bước có sự lựa chọn thế mạnh để đầu tư và chuẩn bị kỹ trong các khâu, từ lựa chọn huấn luyện viên, vận động viên (VĐV), đến tham mưu các chế độ, chính sách kịp thời, đến kế hoạch tập luyện, tập huấn và thi đấu hợp lý. Do đó, đã khích lệ các VĐV thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của tỉnh nhà. Chỉ trong 3 năm 2020-2023, đã tham dự 35 giải quốc gia, quốc tế và khu vực, đạt 155 huy chương các loại, trong đó: 30 huy chương vàng (1 huy chương vàng quốc tế); 36 huy chương bạc; 89 huy chương đồng (1 huy chương đồng quốc tế)...

Song song cùng với sự đầu tư của Nhà nước, phong trào xã hội hóa TDTT cũng được tỉnh ta đẩy mạnh, phát triển, đã huy động được nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng sân chơi thể thao mới, có mức đầu tư cao như sân quần vợt, bể bơi, sân bóng đá cỏ nhân tạo, các phòng tập thể dục thẩm mỹ, thể hình... với kinh phí đầu tư hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Hệ thống thiết chế TDTT quần chúng tiếp tục được quan tâm đầu tư củng cố và phát triển trên địa bàn toàn tỉnh, cộng với việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong hoạt động TDTT đã góp phần trang bị bổ sung, nâng cấp cơ sở hạ tầng TDTT. Hiện cấp tỉnh có 1 trung tâm, cấp huyện có 3 trung tâm và cấp xã có trên 770 sân bãi, công trình ở cấp cơ sở với hơn 360 câu lạc bộ (CLB) TDTT tại 65 xã, phường, thị trấn; trong đó có 71 CLB bóng bàn, cầu lông, tennis, sân bóng đá mini... do tư nhân đầu tư. Các cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng các hoạt động rèn luyện, vui chơi, thi đấu TDTT của người dân. Nhiều CLB trở thành địa điểm tổ chức các giải thể thao quần chúng hằng năm của địa phương.

 

Các vận động viên thi đấu môn cầu lông tại Trung tâm Thi đấu-Huấn luyện thể thao tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ

Phát huy các kết quả đạt được, ngành Thể thao tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Tập trung triển khai thực hiện Đề án “Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030”; Đề án “Phát triển thể thao cho mọi người tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030”, trong đó triển khai thành lập ít nhất 1 đội tuyển thể thao thành tích cao môn tập thể, tổ chức đăng cai các hoạt động giải thể thao toàn quốc phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương; xây dựng lực lượng tham dự các giải thể thao toàn quốc trong hệ thống thi đấu quốc gia, khu vực và quốc tế.

Chú trọng quy trình tuyển chọn, đào tạo VĐV thể thao thành tích cao theo hướng khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn địa phương. Tăng cường tổ chức hoạt động giải thể thao từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao chất lượng tổ chức đại hội TDTT các cấp và đại hội TDTT cấp tỉnh, hoàn thiện hệ thống thi đấu thể thao nhằm phát triển phong trào TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao. Đổi mới, kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về TDTT ở các ngành, địa phương phù hợp với yêu cầu thực tế. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức ngoài công lập tham gia đào tạo, bồi dưỡng VĐV, huấn luyện viên, trọng tài, cán bộ quản lý ngành TDTT trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư cho TDTT. Tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện TDTT, hưởng ứng cuộc vận động và phong trào “Khỏe để lập nghiệp và giữ nước” trong tuổi trẻ toàn tỉnh, góp phần nâng cao sức khỏe để phục vụ học tập, lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.