UBND tỉnh họp nghe báo cáo các đề án du lịch sinh thái và kết quả rà soát quy hoạch lâm nghiệp quốc gia

Ngày 19/3, đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo trình phê duyệt Đề án du lịch (DL) sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến và Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Pha.

Đề án DL sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến có tổng vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 là 350 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2021-2025 là 230 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 120 tỷ đồng. Đề án DL sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Pha có tổng mức đầu tư giai đoạn 2021-2030 là 712 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2021-2025 là 139,2 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 572,8 tỷ đồng. Các loại hình DL được 2 đề án xác định gồm DL sinh thái, DL nghỉ dưỡng, DL chăm sóc sức khỏe, DL khám phá thiên nhiên, DL hội nghị, hội thảo... Các sản phẩm DL: Tổ chức các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng với hệ thống phòng nghỉ liên kết và biệt lập mang kiến trúc truyền thống địa phương kết hợp với hiện đại; các nhà nghỉ sinh thái tách biệt, bố trí dưới tán rừng, trên cây, trên vách đá...; tổ chức các tuyến dã ngoại, leo núi, khám phá thiên nhiên; tổ chức các dịch vụ nhà hàng ăn uống ẩm thực, giải trí, mua sắm... phục vụ du khách.

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp nghe
báo cáo trình phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất nội dung đề án, đề nghị các đơn vị chủ rừng rà soát, bổ sung chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ đề án tham mưu UBND tỉnh trình Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy. Trong đó, lưu ý bám sát các nội dung bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc để tuyên truyền, giáo dục cho người dân địa phương và du khách nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo tồn văn hóa cộng đồng; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương. Công trình xây dựng phục vụ DL phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ và cảnh quan tự nhiên của khu rừng; công trình phục vụ cho hoạt động DL sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bảo đảm các nguyên tắc như: Không phá vỡ cảnh quan môi trường, không chặt phá rừng; các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường; bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

* Cùng ngày, đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả rà soát, hoàn thiện hồ sơ, bản đồ Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và nội dung điều chỉnh, bổ sung Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao đến năm 2030.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích điều chỉnh chuyển ra ngoài 3 loại rừng toàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 là 11.655ha; trong đó phần lớn là quy hoạch chuyển đổi từ rừng sản xuất sang mục đích khác 7.047ha (chiếm 62,5%); rừng phòng hộ sang mục đích khác 3.600ha (chiếm 31,5%) và rừng đặc dụng sang mục đích khác 1.008ha (chiếm 6%). Tổng diện tích có rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng và đất chưa có rừng dự kiến đưa vào quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh, giai đoạn đến năm 2030 là 727ha, trong đó đưa vào diện tích rừng sản xuất là 626ha và rừng phòng hộ là 101ha. Diện tích đưa vào quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030 phần lớn là đất có rừng tự nhiên với diện tích là 725ha (chiếm 99,7%); một phần diện tích rất nhỏ là đất chưa có rừng (chiếm 0,3%), đây là diện tích nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong diện tích rừng tự nhiên đề nghị đưa vào.

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Ảnh: X.Nguyên

Về rà soát chuyển chức năng các loại rừng, đất rừng: Chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang quy hoạch rừng sản xuất 1.018ha. Diện tích này chủ yếu nằm thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn và Ban Quản lý phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang quản lý. Về cơ cấu 3 loại rừng đến năm 2030, diện tích đất lâm nghiệp sau rà soát phân bố trên địa bàn 6/7 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh, trong đó: Huyện Bác Ái có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất với 75.523ha, chiếm 40,1%; kế đến lần lượt là các huyện gồm: Ninh Sơn 44.651ha (chiếm 22,5%), Thuận Nam 29.180ha (chiếm 15,5%), Thuận Bắc 19.932ha (chiếm 10,6%); hai huyện còn lại là Ninh Hải 11.713ha và Ninh Phước 9.521ha chiếm tỷ lệ diện tích khoảng 11,3%. Tiếp tục duy trì độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là 49%.

Đối với Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao đến năm 2030, hiện tại việc phát triển đàn gia súc có sừng (bò, dê, cừu) không thuận lợi do điều kiện đất đai thu hẹp, không có nhà đầu tư chăn nuôi gia súc có sừng; trong khi đó, chăn nuôi lợn (heo) theo quy mô công nghiệp được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Kịch bản phát triển tăng đàn lợn đến năm 2030 dự kiến đạt 427.300 con, vẫn phù hợp với mật độ chăn nuôi của tỉnh; khi đó ước giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 3.727,39 tỷ đồng, chiếm 45,4% giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp (giá trị chăn nuôi lợn đạt 2.096,26 tỷ đồng, chiếm 55,2% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi); trồng trọt đạt 4.282,18 tỷ đồng, chiếm 51,2% và chăn nuôi sẽ đáp ứng là ngành sản xuất chính trong lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan phối hợp cung cấp hồ sơ, dữ liệu các dự án, đồ án quy hoạch có liên quan đến các diện tích đất lâm nghiệp; cần thiết thành lập đoàn kiểm tra liên ngành rà soát, qua đó nắm bắt thực trạng, tiến hành bổ sung một số nội dung, diện tích, chính sách hỗ trợ liên quan, trình UBND tỉnh xem xét trong thời gian sớm nhất.