Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Nhật Bản về văn hóa Việt Nam, Giáo sư Iwatsukia khẳng định từ xưa và trong cả thời đại hiện nay, việc Việt Nam vẫn coi trọng mối quan hệ con người hơn lợi ích kinh tế là một đặc điểm nổi bật. Ví dụ, việc xưng và hô bằng tên đã giúp mối quan hệ giữa mọi người gần gũi nhau hơn, so sánh mối quan hệ con người với mối quan hệ huyết thống, có tác dụng tăng cường, tạo ra cảm giác cả xã hội giống như một gia đình. Ông cho biết ở Nhật Bản cũng có quan niệm coi trọng tình người, nhưng trong thời đại hiện đại với tốc độ đô thị hóa cao, xu hướng ưu tiên lợi ích kinh tế, đặc biệt là lợi ích cá nhân đang trở nên mạnh mẽ.
Giáo sư Iwatsuki kể lại khi đi du học ở Việt Nam, ông được chủ nhà đối xử như người thân trong gia đình, giúp ông hiểu sâu sắc lối sống và văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam, dù ở thành phố hay nông thôn, không bao giờ quên ơn nghĩa, chăm sóc người già và người yếu đuối, coi trọng những tập quán theo mùa và lối sống trí tuệ được truyền lại từ tổ tiên. Cách sống như vậy của người Việt đã khiến ông cảm thấy thật mới lạ và cảm động sâu sắc.
Giáo sư Junichi Iwatsuki, chuyên ngành Ngôn ngữ xã hội học, Đại học Tokyo, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh: Xuân Giao/PV TTXVN tại Nhật Bản
Bàn về những giá trị truyền thống, cốt lõi của văn hóa Việt Nam, Giáo sư Iwatsuki cho biết bản chất của văn hóa và con người Việt Nam nằm ở cách họ nhìn nhận mối quan hệ giữa con người với nhau. Cần lưu ý rằng việc quá coi trọng mối quan hệ giữa con người với nhau có thể dẫn đến tác hại của chủ nghĩa gia đình trị, nhưng trong số những sức mạnh khác nhau thống nhất xã hội Việt Nam, mạnh nhất là lối sống mà mỗi cá nhân cố gắng tự quyết định hành động của mình thông qua mạng lưới các mối quan hệ mà họ đã gắn kết trong đó. Ông tin rằng đây là nguyên tắc cơ bản chi phối toàn bộ xã hội Việt Nam.
Nhắc đến bài phát biểu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, Giáo sư Iwatsuki nhận định khái niệm “văn hóa” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến là “Tri thức, kiến thức khoa học. Trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh”. Giáo sư nhắc lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Xây dựng và phát triển văn hóa có nghĩa là xây dựng những con người có nhân cách, lối sống đẹp, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh''.
Theo Giáo sư Iwatsuki, điều đáng mừng là Việt Nam đang đạt được tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi thành một xã hội, nơi người dân có thể sống một cuộc sống đầy đủ. Trong xu thế này, chúng ta cần nghĩ đến tiếp theo là làm thế nào để đạt được sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với hài hòa xã hội. Câu hỏi đặt ra là mỗi cá nhân cần có lối sống như thế nào. Đây là vấn đề chung mà tất cả các quốc gia đạt được tăng trưởng kinh tế đều phải đối mặt và chưa có quốc gia nào đạt được mục tiêu này thành công hoàn toàn, Vì vậy, ông cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tư cách là một nhà lãnh đạo đảng cầm quyền, đã đặt mục tiêu như vậy là điều tất yếu.
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu nhiệm vụ mới là xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế; phát triển các ngành công nghiệp văn hoá và hoàn thiện thị trường văn hoá với định hướng phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Từ góc độ quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản hiện nay, Giáo sư Iwatsuki cho rằng trách nhiệm mà Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu ở mỗi công dân Việt Nam là phải hoàn thiện bản thân dựa trên văn hóa, tức là luân lý và đạo đức. Mỗi nền văn hóa có những đặc trưng riêng, có nghĩa là không thể đo lường sự vượt trội hay kém cỏi dựa trên những tiêu chí cụ thể.
Giáo sư khẳng định việc giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam có mối quan hệ với văn hóa của người dân Việt Nam, tức là nhận thức về đạo đức và luân lý. Theo Giáo sư Iwatsuki, hiện nay, nhận thức về văn hóa Nhật Bản dưới góc nhìn của “người nước ngoài”, trong đó có người Việt Nam, đang có sự thay đổi lớn. Khi giới trẻ Việt nhắc đến “văn hóa Nhật Bản”, họ nghĩ ngay đến manga, anime hơn là cắm hoa hay trà đạo. Giáo sư chia sẻ, cá nhân ông thuộc nhóm ít xem manga hay anime, nhưng nếu không biết nhiều về manga và anime, ông cảm thấy khó khăn khi tiếp xúc với người nước ngoài. Đây là một sự thay đổi lớn đối với Nhật Bản.
Manga và anime Nhật Bản ban đầu là một “văn hóa nhóm”, được tạo ra bởi những người ở bên lề xã hội, đặc biệt là giới trẻ, và mới được xã hội thừa nhận chưa lâu. Vì vậy, có nhiều tác phẩm dám miêu tả những chủ đề đi chệch khỏi luân lý và đạo đức, chẳng hạn như bạo lực và biểu hiện tình dục. Các cuộc thảo luận vẫn tiếp tục ở Nhật Bản về cách các tác phẩm như vậy nên được công bố và chấp nhận như thế nào, hoặc ngược lại, việc xuất bản chúng nên bị hạn chế như thế nào. Đặc biệt, để đối phó với những vấn đề mới như sự phổ biến của Internet và thúc đẩy bình đẳng giới, nhiều thử nghiệm khác nhau đang lần lượt xuất hiện nhằm hạn chế những cách diễn đạt đã được chấp nhận trong quá khứ hoặc để tạo ra những tác phẩm mới về những chủ đề chưa được đề cập trước đó, gây khó khăn cho việc đạt được sự đồng thuận.
Tình trạng này ở Nhật Bản có thể tóm tắt là việc người Nhật cố gắng vừa thử vừa sửa để làm cho xã hội trở nên văn hóa hơn. Giáo sư Iwatsukia gợi ý Việt Nam có thể cân nhắc sử dụng kinh nghiệm xây dựng văn hóa tại Nhật Bản làm một cơ sở nhận định.
Theo TTXVN/Báo Tin tức