Hội nghị chuyên đề công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Ngày 9/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với đánh giá kết quả triển khai giao khoán bảo vệ rừng (BVR) và nhân rộng các mô hình sinh kế trên địa bản tỉnh giai đoạn 2016-2022. Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Theo Sở NN&PTNT toàn tỉnh hiện có hơn 139.325 ha đất rừng, trong đó 131.996 ha rừng tự nhiên, 7.328 ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,11%, tăng 4,7% so với năm 2016. Trong giai đoạn 2016-2022, lực lượng kiểm lâm phối hợp với đơn vị BVR và chính quyền địa phương tổ chức 15.823 đợt kiểm tra, truy quét BVR; phát hiện, ngăn chặn 3.564 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; đã xử lý 3.386 vụ, tịch thu 981m3 gỗ, trên 1.000 phương tiện vận chuyển các loại, 113 cưa máy, thu nộp ngân sách gần 9,51 tỷ đồng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã triển khai trồng 4.89,75 ha rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng 26.806 ha. Thực hiện giao khoán BVR 465.887 ha cho các đối tượng nhận giao khoán, cộng đồng dân cư, với tổng kinh phí 145,341 tỷ đồng. Hiệu quả công tác quản lý, BVR và phát triển rừng đã góp phần nâng cao giá trị cung ứng dịch vụ môi trường rừng, kết quả thực hiện năm 2022 là 12,3 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2016.

Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận nỗ lực của ngành NN&PTNT đã cùng các ngành, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý BVR thời gian qua, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế về quản lý quy hoạch 3 loại rừng, tình hình vi phạm lâm luật còn phức tạp, sinh kế của người dân từ rừng còn khó khăn. Đồng thời đề nghị, thời gian tới, ngành lâm nghiệp, cùng các đơn vị, địa phương cần phát huy hiệu quả quản lý BVR gắn với đảm bảo sinh kế và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cần có các giải pháp nhằm tích hợp đồng bộ dữ liệu quy hoạch lâm nghiệp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất để quản lý đất đai lâm nghiệp; thực hiện chặt chẽ, đúng quy định về chuyển đổi rừng, đất rừng đảm bảo về mặt hồ sơ lẫn trên thực địa. Tập trung công tác quản lý, BVR, huy động sự tham gia phối hợp tích cực hiệu quả của các lực lượng, các địa phương vùng giáp ranh. Các ngành, địa phương liên quan cần cập nhật đầy đủ quy hoạch đất đai, diện tích rừng, đất rừng để quản lý bảo vệ và phát triển rừng hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Rà soát tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các cấp trung ương hỗ trợ nguồn lực cho tỉnh về công tác BVR.