Kết quả nghiên cứu kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh hại nho

Trong những năm qua, ngoài việc chọn tạo các giống nho mới có tiềm năng về năng suất và chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các đề tài, dự án nghiên cứu kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại nho. Kết quả hoạt động nghiên cứu đã thúc đẩy nghề trồng nho ở tỉnh ta phát triển lên tầm cao mới.

Năm 1997, đề tài nghiên cứu “Phòng trừ tổng hợp IPM trên nho” được Chi cục Bảo vệ thực vật (nay là Chi cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật) thực hiện đã xây dựng thành công các biện pháp quản lý tổng hợp sâu bệnh hại nho. Tiếp nối những kết quả đạt được, nhiệm vụ nghiên cứu phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại nho ngày càng được quan tâm thực hiện. Với mục đích canh tác cây nho theo hướng bền vững, năm 2001 đề tài “Ứng dụng phân bón hữu cơ sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên cây nho tại Ninh Thuận” được phê duyệt thực hiện và được ứng dụng vào sản xuất với diện tích 4 ha tại xã Phước Thuận (Ninh Phước). Phân hữu cơ sinh học và các chế phẩm sinh học đã hỗ trợ tích cực cho việc phòng ngừa sâu bệnh, giúp cây nho khỏe hơn, nâng cao chất lượng quả nho.

Trong giai đoạn từ năm 2003-2006, kết quả của 2 đề tài: “Nghiên cứu một số biện pháp quản lý bệnh thán thư hại nho theo hướng sản xuất nho an toàn” và “Nghiên cứu xây dựng quy trình phòng trừ bọ trĩ hại nho theo hướng sản xuất nho an toàn tại Ninh Thuận” đã xây dựng được các quy trình phòng trừ bệnh thán thư hại nho và quy trình phòng trừ bọ trĩ hại nho. Các kết quả này được ngành Nông nghiệp sử dụng để đưa vào quy trình kỹ thuật canh tác nho áp dụng cho toàn tỉnh.

Nông dân huyện Ninh Phước chăm sóc cây nho. Ảnh: Phan Bình

Trong số các sản phẩm của dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển cây nho để có hiệu quả kinh tế tại Ninh Thuận” thuộc chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 1998-2002” có quy trình kỹ thuật canh tác nho NH01-48 theo hướng an toàn được áp dụng rộng rãi trong sản xuất. Sau 5 năm thực hiện quy trình, để đánh giá về mức độ phù hợp của quy trình kỹ thuật với tình hình sản xuất nho trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề xuất hướng nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy trình, vào năm 2009, Sở KH&CN đã ký hợp đồng nghiên cứu khoa học với Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận thực hiện đề tài “Đánh giá thực hiện quy trình trồng nho NH01-48 theo hướng an toàn và đề xuất các giải pháp hoàn thiện quy trình”. Đề tài đã điều tra thống kê diện tích, cơ cấu giống nho và xu hướng phát triển của các giống nho; đánh giá việc áp dụng quy trình kỹ thuật trồng nho NH01-48 ở các vùng sản xuất nho của tỉnh; xác định được một số khó khăn của nông dân và mức độ hiểu biết của nông dân về sản phẩm an toàn. Đây là những cơ sở khoa học và thực tiễn để cấp có thẩm quyền có kế hoạch định hướng nghiên cứu, hoàn thiện quy trình.

Cũng trong năm 2009, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi (nay là Trung tâm Dịch vụ Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản) đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng nho rượu. Thông qua các nghiên cứu về mật độ trồng, chế độ bón phân, thời vụ cắt cành, đề tài đã xây dựng hoàn thiện quy trình trồng và chăm sóc giống nho làm rượu với mật độ thích hợp là 2.500 cây/ha.

Thực hiện Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đến năm 2020, trong năm 2017 Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sản xuất nho ứng dụng CNC tại Ninh Thuận” với việc áp dụng đồng bộ các kỹ thuật cải tiến giàn nho, tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân thế hệ mới cho nho trồng trong nhà màng. Kết quả, giống nho NH01-48 trồng trong nhà màng đạt năng suất 35,4 tấn/ha/2 vụ, tăng 32,6% so với sản xuất theo phương thức truyền thống. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mang lại từ mô hình sản xuất trong nhà màng đạt được gần 1,6 tỷ đồng/ha/2 vụ, cao hơn so với sản xuất theo phương thức truyền thống 1 tỷ đồng.

Sau nhiều năm triển khai các đề tài, dự án, đa số bà con nông dân được tiếp cận với kiến thức khoa học, tiến bộ kỹ thuật một cách trực tiếp thông qua việc tham gia triển khai đề tài, áp dụng mô hình, tham dự tập huấn, hội thảo. Nông dân đã biết bố trí mật độ trồng thích hợp cho từng loại giống, cắt cành đúng thời vụ, bổ sung phân bón hữu cơ thay thế dần phân hóa học, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, bón vôi cho cây nho, tỉa trái. Hiện nay, việc áp dụng CNC vào sản xuất nho ngày càng được nhân rộng.

Việc kịp thời áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác nho đã mang lại hiệu quả nhất định, làm tăng cả về số lượng và chất lượng sản phẩm nho. Hiện nay, diện tích nho áp dụng CNC tại Ninh Thuận là hơn 3 ha, trình độ sản xuất đã được cải thiện đáng kể, mức độ sẵn sàng tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật của nông dân cũng rất cao.