Nội dung của Kế hoạch như sau:
1. Mục đích
Cụ thể hóa và triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, để trở thành động lực của nền kinh tế.
2. Yêu cầu
a) Xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của từng ngành, từng cấp trong việc thực hiện chức năng quản lý, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp làm cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu về phát triển doanh nghiệp; đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và các quan điểm, định hướng, chủ trương, chính sách được đề ra trong Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ.
b) Hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Khơi thông các điểm nghẽn với phương châm “sớm nhất, hiệu quả nhất”, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
c) Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn và thân thiện; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch, hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước.
d) Hỗ trợ doanh nghiệp trọng tâm, trọng điểm, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh doanh bền vững; thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới và thực hiện các mục tiêu bền vững.
Công ty Cổ phần Bio Tonic ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất tôm giống chất lượng cao ở Mỹ Tường (Ninh Hải). Ảnh: Văn Nỷ
1. Mục tiêu tổng quát
Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và cả nước; lớn mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
2. Mục tiêu cụ thể
Phấn đấu đến năm 2025:
a) Có 4.800-5.000 doanh nghiệp đang hoạt động; 220 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
b) Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% GRDP của tỉnh, khoảng 30-35% tổng việc làm trong nền kinh tế, trên 90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
c) Khoảng 35-40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
d) 100% cơ sở kinh doanh bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; có khoảng 250-300 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số.
đ) Có 01-02 doanh nghiệp được xếp vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới.
e) 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
g) 80% doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo.
A. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong ngắn hạn:
1. Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh
a) Các Sở, ngành, địa phương:
- Khẩn trương thực hiện rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế; đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.
- Rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, … đối với các dự án bất động sản trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng sớm triển khai theo quyết định đầu tư được phê duyệt để sớm hoàn thành, đưa sản phẩm ra thị trường.
b) Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về pháp lý, thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản; tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường bất động sản và việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản.
c) Sở Giao thông vận tải, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông, các Sở, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các dự án giao thông trọng điểm: Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng; Đường giao thông nối cao tốc Bắc Nam với Quốc lộ 1 và Cảng tổng hợp Cà Ná; Đường Văn Lâm - Sơn Hải, huyện Thuận Nam.
d) Chi cục Hải quan tỉnh nghiên cứu, đơn giản hóa tối đa các quy trình hành chính hiện tại hoặc xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên để hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu thời gian, chi phí ở các khâu thực hiện trong nước nhằm đẩy nhanh quy trình, thủ tục nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu và đẩy nhanh xuất khẩu các sản phẩm nông sản, các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ đạo.
đ) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương đẩy mạnh và thực hiện quyết liệt các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” IUU của Liên minh Châu Âu, bao gồm việc cải tiến quy định ghi nhật ký và số hóa quy trình kiểm tra - cấp xác nhận, chứng nhận khai thác.
e) Công an tỉnh rà soát tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp mà vẫn phải bảo đảm tuyệt đối an toàn; chỉ đạo quyết liệt đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, báo cáo UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động tín dụng đen.
g) Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan chấn chỉnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; đặc biệt giảm triệt để việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra thuế, bảo hiểm xã hội và các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành khác.
2. Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước
a) Sở Tài chính triển khai thực hiện hướng dẫn về cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước vốn chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ.
b) Cục Thuế tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Kế hoạch số 829/KH-UBND ngày 02/03/2022 của UBND tỉnh.
c) Sở Xây dựng:
- Hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý dự án, quản lý chi phí, định mức xây dựng, vật liệu xây dựng, quản lý chất lượng thi công và hợp đồng xây dựng.
- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai phương án giảm tiền sử dụng nước cho các doanh nghiệp trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế.
- Công bố giá các loại vật liệu xây dựng phổ biến trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng; thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật.
d) Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận theo Kế hoạch số 964/KH-UBND ngày 27/3/2020 của UBND tỉnh.
đ) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Ninh Thuận:
- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 theo Kế hoạch số 1466/KH-UBND ngày 08/4/2022 của UBND tỉnh; các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng để áp dụng các mô hình kinh doanh mới và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
3. Khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước
Sở Công Thương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm, liên kết, hợp tác mở rộng các kênh phân phối hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư mở rộng sản xuất, ứng dụng thương mại điện tử trong tiếp cận thị trường; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030 theo Quyết định số 113/QĐ-UBND ngày 16/3/2023 của UBND tỉnh.
4. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động
a) Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì:
- Hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Nắm bắt tình hình biến động lao động, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp; tổ chức khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp để kịp thời kết nối nguồn cung lao động tại các doanh nghiệp; chú trọng việc gắn kết chặt chẽ đào tạo nghề gắn với đầu ra giải quyết việc làm cho người lao động; thực hiện tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp để cung ứng, giới thiệu lao động cho doanh nghiệp kịp thời để duy trì sản xuất.
- Tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp trong quy trình quản lý và xét duyệt hồ sơ trên hệ thống trực tuyến, tạo thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp thụ hưởng chính sách hỗ trợ.
b) Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi đối với đối tượng ưu tiên tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Kế hoạch số 829/KH-UBND ngày 02/3/2022 của UBND tỉnh.
B. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong trung và dài hạn:
1. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh
a) Các Sở, ngành, địa phương:
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 843/QĐ-UBND ngày 17/12/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 11/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
- Tập trung giải quyết các bất cập do quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường; thực hiện tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật; chủ động hoặc đề xuất cắt giảm hoặc đơn giản hóa các quy định tạo ra rào cản mới gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số, triển khai dịch vụ công trực tuyến.
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 về Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 08/2/2022 về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025.
- Tổ chức gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp định kỳ hàng tháng nhằm trao đổi, nắm bắt những vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương; đối với trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết của Sở, ngành, địa phương kịp thời báo cáo về UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư), để tổ chức gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp theo chuyên đề định kỳ hàng tháng, hàng quý.
b) Sở Công Thương tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 513/KH-UBND ngày 10/02/2022 của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến năm 2025 trên địa tỉnh Ninh Thuận.
c) Sở Tư pháp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 471/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 của UBND tỉnh.
d) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Ninh Thuận triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc có liên quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2. Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đẩy mạnh triển khai hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp; Phối hợp với với các Sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp.
b) Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 4108/KH-UBND ngày 11/11/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030.
c) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh ươm tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, huy động nguồn lực của xã hội; tham mưu xây dựng Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh thuận giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
3. Hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực hàng năm triển khai hoạt động hỗ trợ đào tạo, tư vấn khởi nghiệp kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp; nâng cao kỹ năng, chuyển đổi ngành, nghề cho người lao động.
b) Sở Lao động-Thương binh và Xã hội:
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ người sử dụng lao động tuyển dụng bằng hình thức trực tuyến; tổ chức các hoạt động kết nối, giao dịch việc làm có sự liên kết giữa các địa phương trong vùng, liên vùng hoặc trên toàn quốc; đầu tư hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến hiện đại để trực tiếp kết nối giữa người lao động, người sử dụng lao động, không bị rào cản về không gian địa lý.
- Đẩy mạnh triển khai các giải pháp, chính sách, chương trình đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp cho doanh nghiệp.
c) Các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 theo Kế hoạch số 4351/KH-UBND ngày 07/10/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
4. Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; triển khai thực hiện Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 6099/KH-UBND ngày 08/11/2021 của UBND tỉnh và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025.
b) Sở Tài chính phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bền vững, chuyển đổi cơ cấu, công nghệ sang hướng hiện đại, giảm thải các-bon theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
c) Sở Công Thương đẩy mạnh triển khai và đa dạng hóa hình thức các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công, xây dựng thương hiệu của tỉnh; tăng cường đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do, nắm vững các yêu cầu, điều kiện kỹ thuật, kinh doanh bền vững, giảm thải các-bon của đối tác và thị trường quốc tế; triển khai có hiệu quả hệ thống thông tin thương mại cảnh báo sớm, nhằm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để tránh các vụ kiện bán phá giá, hay các thông tin liên quan khi tiếp cận thị trường xuất khẩu.
d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và truy xuất nguồn gốc đối với các hàng hóa, nông sản, thực phẩm thiết yếu, tận dụng sức mua của thị trường nội địa.
đ) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Ninh Thuận chỉ đạo các tổ chức tín dụng phát triển tập trung vốn cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh tế xanh, giảm thải các-bon phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh theo quy định của pháp luật.
Tổ chức thực hiện
1. Kế hoach giao giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm:
a) Khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa bằng các văn bản quy định cụ thể để tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách, giải pháp được giao tại Kế hoạch này.
b) Thường xuyên kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiến độ các mục tiêu, nhiệm vụ, chế độ báo cáo nêu tại Kế hoạch này. Đối với việc theo dõi, khảo sát và đánh giá các mục tiêu: Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm về mục tiêu tại tiết e khoản 2, mục II; Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về các mục tiêu tại tiết a, b và d khoản 2 mục II; Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm về các mục tiêu tại tiết c khoản 2 mục II; Sở Công Thương chịu trách nhiệm về mục tiêu tại tiết đ khoản 2 mục II; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm về mục tiêu tại tiết g, khoản 2, mục II của Kế hoạch này.
c) Xử lý nghiêm cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
d) Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; định kỳ hàng năm, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng 12 để tổng hợp, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề
a) Xây dựng các chương trình, biện pháp cụ thể, khả thi để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và người sử dụng lao động; khuyến khích, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xây dựng và triển khai rộng rãi các chuẩn mực đạo đức, văn hóa thượng tôn pháp luật, trách nhiệm xã hội, hài hòa lợi ích của doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nêu cao tinh thần và trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đối với quốc gia, dân tộc.
b) Các Hiệp hội doanh nghiệp kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, những cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức còn gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, công việc liên quan đến doanh nghiệp để UBND tỉnh chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô và sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
3. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định; kịp thời đề xuất UBND tỉnh giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh.
4. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể thuộc Kế hoạch của UBND tỉnh, các Sở, ngành, địa phương chủ động đề xuất gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
NT