Phát triển hạ tầng số để phục vụ công tác chuyển đổi số

Xác định phát triển hạ tầng số (HTS) là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), trong giai đoạn 2015-2022, tỉnh ta luôn quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) triển khai đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và các nền tảng cơ sở dữ liệu chuyên ngành..., góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Cụ thể, đối với hạ tầng kết nối, tính đến thời điểm hiện tại, tất cả 65 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh mạng viễn thông băng rộng di động đã được đầu tư phát triển với tốc độ truy nhập trung bình 51 Mb/s, cao hơn mức trung bình của cả nước là 35,29 Mb/s. Thiết bị thông minh phát triển đang dần thay thế các thiết bị 2G và tổng số thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone là 478.946 thuê bao trên tổng số 686.236 thuê bao điện thoại, chiếm 80% tỷ lệ dân số của tỉnh, cao hơn mức trung bình của cả nước là 70,9% (dân số trung bình năm 2022 tỉnh Ninh Thuận 598.683 người). Tất cả 289/289 thôn (100%) đã được phủ sóng điện thoại di động.

Đối với mạng viễn thông băng rộng cố định, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được triển khai với tốc độ truy nhập trung bình xấp xỉ với tốc độ trung bình của cả nước là 71,79 Mb/s. Đến nay 288/289 thôn (99,6%) đã có hạ tầng cáp quang phục vụ hộ gia đình. Hiện còn thôn Ma Lâm, xã Phước Tân (Bác Ái) chưa có hạ tầng, các DN viễn thông đang thực hiện triển khai xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ trong năm 2023. Số thuê bao internet băng rộng cố định là 83.958 thuê bao, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 75% hộ gia đình, trường học, bệnh viện.

Về hạ tầng dữ liệu và nền tảng số, hiện mạng truyền số liệu chuyên dùng được triển khai đến các cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã. Đã kết nối 65/65 xã, phường, thị trấn; 7/7 huyện, thành phố; các sở, ban, ngành và một số đơn vị trực thuộc các sở, ngành; phục vụ các cuộc họp trực tuyến từ trung ương đến cấp xã trên địa bàn tỉnh. Tốc độ kết nối tối thiểu tại các sở, ban, ngành, huyện, thành phố là 8 Mbps; tốc độ kết nối tối thiểu đối với cấp xã là 4 Mbps. Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đã được kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan. Nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số Bưu điện tỉnh đã thu thập, gán mã địa chỉ số với tổng số 146.338 địa chỉ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, cơ sở y tế, giáo dục, điểm cung cấp dịch vụ bưu chính của bưu điện và các địa chỉ nhà dân trên địa bàn tỉnh...

Để tiếp tục phát triển HTS đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng các ngành, lĩnh vực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, làm cơ sở thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngày 28/3/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1146/KH-UBND về việc phát triển HTS tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, UBND tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, hạ tầng viễn thông băng rộng (di động, cố định) phủ 100% các thôn trên toàn tỉnh. Tỷ lệ dân số được phủ sóng di động 4G đạt 100%, tốc độ trung bình đạt 80 Mb/s. Có 70% các đô thị, khu công nghiệp, các cơ sở đào tạo, cơ quan nhà nước, địa điểm du lịch được phủ sóng mạng 5G. Dung lượng băng rộng di động tăng ít nhất 30%; 90% các hộ gia đình có internet cáp quang. Tỷ lệ trạm thu phát sóng di động (BTS) phát triển mới dùng chung hạ tầng/trên tổng số trạm phát triển mới đạt 40%. Tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng ít nhất 1 điện thoại thông minh (smartphone) đạt 90% trở lên. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 97%. Kết nối 100% các hệ thống thông tin trọng yếu, dùng chung của tỉnh vào mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II và vận hành ổn định, an toàn, thông suốt, kết nối 4 cấp hành chính từ trung ương đến cấp xã. 100% hộ gia đình, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện,... trong tỉnh có địa chỉ số. 100% các khu dân cư, khu đô thị mới được đầu tư ngầm hóa hạ tầng thông tin theo hướng dùng chung hạ tầng. Mục tiêu đến năm 2030, mạng băng rộng di động thế hệ thứ 5 (5G) phủ sóng 100% dân số các khu vực có nhu cầu sử dụng. 100% các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, điểm du lịch, công viên, công cộng và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, trường học, bệnh viện, địa điểm du lịch được phủ sóng mạng 5G. Tỷ lệ trạm BTS phát triển mới dùng chung hạ tầng hiện trạng đạt 60% tổng số trạm phát triển mới.

Cán bộ Điện lực Ninh Thuận kiểm tra hệ thống điện tại Trung tâm điều khiển của đơn vị. Ảnh: Văn Nỷ

Để cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) làm đầu mối phối hợp, hỗ trợ các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và các DN hoạt động trong lĩnh vực HTS tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan, địa phương, DN; tổng hợp, định kỳ hằng năm báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện. Nghiên cứu chính sách quản lý và khuyến khích các DN tham gia đầu tư vào HTS; phát triển hạ tầng băng rộng đảm bảo hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng đảm bảo các mục tiêu đề ra; thúc đẩy tối đa việc kết nối và thực hiện chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các DN viễn thông. Phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN trong việc cấp giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh và sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành xây dựng, giao thông, điện lực. Phối hợp các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ TT&TT trong công tác quản lý nhà nước về HTS triển khai các giải pháp định hướng, tạo điều kiện cho DN trong ngành trên địa bàn tỉnh phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh. Xây dựng, phát triển hệ thống thông tin quản lý HTS tỉnh tích hợp với bản đồ số; thực hiện CĐS trong công tác quản lý nhà nước về HTS.

Đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng, bảo đảm quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng địa phương phải có phương án quản lý, thúc đẩy phát triển HTS; có các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào HTS như: Cắt giảm thủ tục hành chính, bố trí không gian, địa điểm để lắp đặt thiết bị, nhà trạm, công trình viễn thông, hỗ trợ, thúc đẩy dùng chung hạ tầng viễn thông và hạ tầng kỹ thuật liên ngành. Thúc đẩy, hỗ trợ các DN phát triển HTS, theo hướng đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng hạ tầng viễn thông tại các địa bàn, khu vực cần khuyến khích đầu tư.

Đối với các DN bưu chính, viễn thông, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả phục vụ CĐS của tỉnh. Các DN cung cấp hạ tầng, dịch vụ viễn thông, internet triển khai đảm bảo mạng 3G, 4G phủ sóng toàn tỉnh, phát triển mạng 5G đáp ứng nhu cầu CĐS theo mục tiêu kế hoạch; triển khai cáp quang băng rộng đến tất cả các xã, phường, thị trấn đảm bảo nhu cầu sử dụng và phục vụ CĐS; triển khai nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử. Tuân thủ các quy định về quản lý xây dựng, sử dụng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động; chấp hành các quy định về sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật; tăng cường việc chia sẽ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông và hạ tầng kỹ thuật liên ngành; xác định giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật được sử dụng chung do DN đầu tư đúng quy định. Tích cực tham gia, đồng hành cùng tỉnh phát triển hệ thống wifi công cộng trên địa bàn..., nhằm phục vụ tốt môi trường đầu tư kinh doanh, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; nâng cao thứ hạng đánh giá CĐS cấp tỉnh.